Theo kết quả nghiên cứu của đại học danh tiếng hàng đầu Australia về hành vi, tâm lý của trẻ dưới 7 tuổi, đa số trẻ em có thể bắt đầu nói dối từ năm 4 tuổi. Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, các bậc phụ huynh đứng trước việc trẻ nói dối không nên cáu giận, trách phạt con mà hãy bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân và cân nhắc cách dạy dỗ, uốn nắn cho trẻ.
Thông thường, trẻ nói dối thường xuất phát từ 2 nguyên nhân cơ bản gồm trẻ lo sợ khi bị mắng khi làm sai một điều gì đó hoặc trẻ muốn gây sự chú ý của mọi người xung quanh.
Mỗi nguyên nhân trẻ nói dối đều xuất phát từ các ý định khác nhau nên việc uốn nắn, dạy bảo con cũng phải khác và phù hợp theo từng trường hợp.
Trường hợp đầu tiên, trẻ nói dối khi lo sợ bị mắng khi làm sai. Nhiều chuyên gia tâm lý khuyên rằng, các bậc phụ huynh hãy chủ động tạo cơ hội cho trẻ “sửa sai” bằng cách nói chuyện nhẹ nhàng, hỏi rõ nguyên do. Đồng thời, cha mẹ cùng con đi đến thống nhất về các hình thức kỷ luật để trẻ không tái phạm lần sau.
Hãy nhắc nhở trẻ lần đầu và nếu vi phạm lần kế tiếp sẽ áp dụng mức phạt nghiêm hơn. Bên cạnh đó, cho trẻ biết hậu quả của việc nói dối sẽ như thế nào để từ đó, trẻ sẽ ý thức và hiểu hơn về những tác hại của việc nói dối.
Ngoài ra, với trường hợp thứ hai khi trẻ nói dối chỉ để gây sự chú ý của mọi người, cha mẹ hãy nghiêm túc nhắc nhở để trẻ không hình thành thói quen xấu này. Bên cạnh đó, một số gợi ý từ các chuyên gia tâm lý rằng, các bậc phụ huynh nên dành nhiều thời gian quan tâm đến trẻ hơn, cũng như đừng quên thường xuyên khen ngợi những việc mà trẻ hoàn thành tốt.
Và khi trẻ cảm thấy có đủ sự quan tâm, động viên của người lớn sẽ giúp các bé cố gắng hơn trong việc hoàn thiện tính cách của mình.