Về mức tham chiếu thay thế cho lương cơ sở khi cải cách tiền lương, thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 27.5, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, Khoản 12 Điều 4 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có quy định về mức tham chiếu để thay cho mức lương cơ sở đang là một căn cứ để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội trong luật này.
Theo đó, mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng tăng trưởng kinh tế và phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước, của quỹ bảo hiểm xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, quy định như vậy là rất kịp thời và đồng bộ với việc dự kiến cải cách tiền lương vào 1.7.2024 tới đây; một số yêu cầu về mức tham chiếu được đưa ra trên chỉ số giá tiêu dùng tăng trưởng kinh tế cũng rất phù hợp.
“Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của người hưởng các chế độ bảo hiểm, theo tôi nên xem xét quy định ở trong luật định kỳ thời gian để điều chỉnh mức tham chiếu. Ví dụ, như chu kỳ hằng năm hoặc chu kỳ 2 năm một lần. Việc quy định kỳ điều chỉnh mức tham chiếu sẽ nâng cao tính trách nhiệm của các cơ quan và đảm bảo xem xét quyền lợi về bảo hiểm xã hội của người được thụ hưởng thường xuyên, kịp thời” - nữ đại biểu đề xuất.
Vẫn theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, khi đến hạn định kỳ điều chỉnh, có thể xem xét điều chỉnh cho phù hợp, có thể là cao hơn, có thể thấp hơn nhưng cũng có thể là vẫn bằng với mức đang đóng.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) cũng bày tỏ băn khoăn về mức tham chiếu này.
Đề cập Khoản 12 Điều 4 của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) về giải thích từ ngữ có quy định mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm xã hội, đại biểu cho rằng đây là nội dung sẽ được sử dụng trong suốt quá trình thực hiện các chế độ đóng và hưởng bảo hiểm xã hội khi thực hiện cải cách tiền lương không còn mức lương cơ sở.
“Tuy nhiên, việc thực hiện điều chỉnh với các tiêu chí như trên, tôi thấy vẫn còn chung chung, nhất là việc trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Đây là chỉ số không ổn định và hay thay đổi thất thường trong thời gian ngắn. Tôi băn khoăn có ảnh hưởng đến mức đóng - hưởng của người lao động tại thời điểm trước - sau khi tăng hoặc giảm chỉ số giá tiêu dùng hay không” - đại biểu bày tỏ, đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng hoặc có giải trình.
Theo Khoản 12, Điều 4 (giải thích từ ngữ) tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), mức tham chiếu là mức tiền do Chính phủ quy định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội trong Luật này. Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước, quỹ bảo hiểm xã hội.