Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực nhấn mạnh, hiện nay, điều cần của cán bộ CĐ cấp dưới là khả năng nắm bắt, ứng phó được trong hoạt động CĐ; ứng phó với thực tiễn phát sinh và quy định mới của luật pháp để ứng dụng.
Cập nhật kiến thức, kỹ năng mới cho cán bộ CĐ
Theo Trường Đại học CĐ, hiện trường đang thực hiện 2 loại hình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ CĐ các cấp, gồm: Đào tạo ngắn hạn (từ 2 tháng trở lên, cấp chứng chỉ tốt nghiệp) và bồi dưỡng ngắn hạn (dưới 2 tháng, cấp chứng nhận tốt nghiệp). Đến nay, trường đã tổ chức 12 chương trình đào tạo ngắn hạn nhằm nâng cao trình độ lý luận, nghiệp vụ và kỹ năng hoạt động cho cán bộ CĐ, người lao động (NLĐ).
Bên cạnh đó, trong những năm qua, trường thường xuyên tổ chức các chương trình bồi dưỡng tập huấn ngắn hạn từ 1-7 ngày nhằm cập nhật những kiến thức, kỹ năng mới cho cán bộ CĐ, NLĐ theo yêu cầu của LĐLĐ tỉnh, thành phố; CĐ ngành Trung ương; CĐ TCty; CĐ cấp trên cơ sở với các nội dung đa dạng theo yêu cầu thực tiễn hoạt động CĐ, với hình thức linh hoạt phù hợp với từng đơn vị.
Từ năm 1996 đến nay, Trường Đại học CĐ đã đào tạo được gần 300 khóa đào tạo ngắn hạn theo 12 chương trình đào tạo, để cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho hơn 13.000 lượt cán bộ CĐ, NLĐ. Trong năm 2017, thực hiện kế hoạch của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, trường đang tiến hành các thủ tục xuất bản giáo trình, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CĐ theo chức danh và phối hợp LĐLĐ tỉnh, thành phố, CĐ ngành Trung ương và CĐ TCty tổ chức được gần 37 lớp bồi dưỡng lý luận nghiệp vụ CĐ; an toàn vệ sinh lao động; kế toán CĐ cho hơn 1.900 lượt cán bộ CĐ.
Đào tạo một thế hệ cán bộ CĐ chủ lực
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã góp ý về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CĐ của Trường Đại học CĐ; giáo trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CĐ mà trường đang tiến hành các thủ tục xuất bản. Trưởng ban Tổ chức Tổng LĐLĐVN Vũ Anh Đức nêu lên thực trạng nhiều cán bộ CĐ làm việc theo “chủ nghĩa kinh nghiệm”, không có sáng tạo. Trưởng ban Tổ chức nhấn mạnh, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CĐ cần chú trọng đến kỹ năng hoạt động CĐ.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải khẳng định tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CĐ. Phó Chủ tịch Thường trực nhấn mạnh, trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CĐ, Trường Đại học CĐ cần xác định rõ từng nhóm đối tượng cán bộ CĐ cụ thể để xây dựng được nội dung đào tạo cho phù hợp. Đồng chí Trần Thanh Hải chỉ ra, hiện nay điều cần của cán bộ CĐ cấp dưới là khả năng nắm bắt, ứng phó trong hoạt động CĐ; ứng phó với thực tiễn phát sinh và quy định mới của luật pháp để ứng dụng.
Vì vậy, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CĐ phải làm sao đáp ứng được yêu cầu trên. Phó Chủ tịch Thường trực bày tỏ hy vọng, Đại học CĐ sẽ trở thành cái nôi của cán bộ CĐ và trường sẽ đào tạo được một thế hệ cán bộ CĐ chủ lực sau 10 năm nữa.
Cũng tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Hải và Phó Chủ tịch Trần Văn Lý đồng tình cho rằng, song song với đào tạo, Trường Đại học CĐ cần nâng cao công tác nghiên cứu lý luận CĐ. “Đại học CĐ cần đào tạo trình độ sau ĐH cho những người nghiên cứu về CĐ để họ trở thành những nhà lý luận về CĐ trong tương lai, tham mưu tổ chức CĐ trong bối cảnh thay đổi trong tương lai” - Phó Chủ tịch Thường trực bày tỏ mong muốn.