Ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - nhấn mạnh như trên khi phát biểu tại Trung tâm thảo luận số 2 chiều 1.12 trong khuôn khổ Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Cần quan tâm đến đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách cấp trên cơ sở
Tại trung tâm thảo luận số 2, đại tá Nguyễn Văn Đề - Phó Trưởng ban Công đoàn Quốc phòng - đóng góp nhiều giải pháp để công đoàn có thể thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.
Theo đại tá Nguyễn Văn Đề, để làm tốt nhiệm vụ này, công đoàn cần quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng chính sách pháp luật. Cùng với đó, tăng cường hoạt động hướng về cơ sở, giải quyết tâm tư nguyện vọng chính đáng của người lao động.
Đại tá Nguyễn Văn Đề cũng đề nghị cần có giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân viên chức, lao động, đặc biệt là về vấn đề nhà ở, giá điện nước, phòng khám bệnh, các chương trình phúc lợi để người lao động tiếp cận; tạo việc làm, tăng thu nhập góp phần đảm bảo tốt đời sống; hạn chế, phòng ngừa tín dụng đen trong công nhân lao động…
Ông Nguyễn Việt Hưng - Chủ tịch Công đoàn Cục Đường bộ Việt Nam (thuộc Công đoàn Giao thông Vận tải) - bày tỏ tâm đắc với 3 khâu đột phá được trình bày tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Theo ông Nguyễn Việt Hưng, 3 khâu đột phá rất đúng, trúng và quan trọng. Ông Hưng bày tỏ quan tâm hơn tới khâu đột phá về xây dựng đội ngũ chủ tịch CĐCS đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
“Công tác đối thoại, thương lượng đạt được hiệu quả là từ cán bộ công đoàn; công tác phát triển đoàn viên cũng vậy nên cần đặc biệt quan tâm” - ông Hưng nêu lý do về sự quan tâm của mình tới khâu đột phá này.
Ông cũng mong muốn, không chỉ xây dựng đội ngũ cán bộ CĐCS mà còn phải cả ở cấp trên trực tiếp cơ sở. Lý do, các chủ tịch CĐCS hầu hết đều kiêm nhiệm, đồng thời phải lo chuyên môn, chịu nhiều áp lực của người sử dụng lao động. Trước thực tế đó, cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phải là người hỗ trợ cơ sở một cách có hiệu quả.
“Rất mong Tổng LĐLĐVN quan tâm đến đội ngũ cán bộ CĐCS, đặc biệt là khối ngoài nhà nước, nhưng cũng cần quan tâm đến đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách cấp trên cơ sở vì đây là đội ngũ triển khai và chỉ đạo hiệu quả xuống cơ sở, nhất là công tác đối thoại và thương lượng” - ông Hưng cho biết.
Cần đẩy mạnh thương lượng về tiền lương
Ông Trần Thanh Hải bày tỏ đồng tình cho rằng, cùng với quan tâm cán bộ CĐCS, cần quan tâm đến đội ngũ cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. “Đội ngũ này chính là điểm tựa của cơ sở” - ông Trần Thanh Hải nói.
Phó Chủ tịch Thường trực cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam lần này mở đường cho sự phát triển của công đoàn trong thời kỳ mới. Việc sửa đổi lần này cũng đặt trọng tâm vào cán bộ công đoàn, đưa vào tiêu chuẩn tổng quát của cán bộ công đoàn để cán bộ công đoàn tự soi rọi mình, cũng như để Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN giải quyết vấn đề liên quan đến chất lượng đội ngũ cán bộ CĐCS. Bên cạnh đó, với việc cam kết bảo vệ cán bộ công đoàn khi thực thi nhiệm vụ công đoàn sẽ giúp họ vững tin hơn, yên tâm hơn.
Đề cập đến công tác thương lượng về tiền lương của công đoàn, ông Trần Thanh Hải cho rằng: “Không xem nhẹ thương lượng về phúc lợi, nhưng cần phải đẩy mạnh thương lượng về tiền lương. Điều này cần phải có cán bộ CĐCS bản lĩnh, đồng thời có chỗ dựa là công đoàn cấp trên”.
Các đại biểu còn đóng góp nhiều ý kiến vào báo cáo của Ban chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII trình đại hội; báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khoá XII; về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam…