Toạ đàm có sự tham dự, chủ trì của các ông bà: Bùi Huyền Mai - Uỷ viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Nội; Trần Văn Nghĩa - Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ huyện Hoài Đức; các cán bộ Công đoàn cấp trên cơ sở, Công đoàn cơ sở và lãnh đạo một số doanh nghiệp như Cty CP Thực phẩm Minh Dương, Cty TNHH Toto Việt Nam; Công ty CP Xây lắp và Thiết bị công nghiệp Mekamic...
Năm 2020, đại dịch COVID-19 có tác động, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Các hoạt động xuất, nhập khẩu; Lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách; Các lĩnh vực dịch vụ y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, giải trí, nhất là du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số ngành, lĩnh vực sản xuất bị ngừng trệ, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có chiều hướng tăng; gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào, gây đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động. Các chuỗi giá trị của Hà Nội liên quan đến các quốc gia có dịch bệnh bị ảnh hưởng trực tiếp với mức độ khá lớn. Một số doanh nghiệp lớn ngành điện tử ở Khu Công nghiệp chế xuất, ngành giầy da, dệt may đã chịu tác động lớn do phụ thuộc nguồn nguyên liệu và thiếu đơn hàng.
Sau đợt dịch COVID-19 đầu tiên, các doanh nghiệp đang dần có dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên đợt dịch thứ hai bùng phát vào cuối tháng 7.2020 đã khiến các doanh nghiệp tiếp tục rơi vào tình trạng khó khăn, hàng nghìn doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng, trên 30.000 công nhân lao động mất việc làm, thiếu việc làm, phải nghỉ luân phiên, thu nhập giảm sút.
Tại toạ đàm “Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp duy trì, phát triển SXKD, ổn định đời sống, việc làm của người lao động” , các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề: Đánh giá những tác động của đại dịch COVID-19 đến sản xuất kinh doanh và đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động tại doanh nghiệp; Vai trò của Công đoàn cơ sở đồng hành với người sử dụng lao động trong thực hiện mục tiêu kép: Vừa chủ động phòng chống dịch bệnh COVID-19, vừa duy trì, ổn định phát triển sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; Thực trạng chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp hiện nay; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị; Thực tế việc tổ chức phong trào thi đua và hoạt động Công đoàn giai đoạn hiện nay với giải pháp và bài học kinh nghiệm tại cơ sở.
Phát biểu tại Toạ đàm, bà Bùi Huyền Mai khẳng định Toạ đàm được tổ chức nhằm phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc tham gia, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, đồng thời lắng nghe những ý kiến, kiến nghị, đề xuất từ các doanh nghiệp và Công đoàn cơ sở; Đánh giá đầy đủ thực tiễn chất lượng hoạt động của Công đoàn cơ sở khối các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiện nay, từ đó đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo và tổ chức hoạt động của các cấp công đoàn Thủ đô trong thời gian tới theo hướng thiết thực, hiệu quả.