Động viên người lao động
Tại Công ty TNHH May Tinh Lợi (tỉnh Hải Dương), đại diện Công đoàn cơ sở cho biết, từ tháng 8.2022, việc làm của công nhân tại nhà máy của công ty tại xã Lai Vu, huyện Kim Thành (có 14.000 công nhân) bị ảnh hưởng. Hiện ở nhà máy này, công nhân chỉ làm giờ hành chính, không tăng ca. Trong tháng 9,10, công ty còn nghỉ làm thứ 7. Còn nhà máy tại huyện Nam Sách, công nhân vẫn làm việc ổn định, thậm chí có đủ đơn hàng cho năm 2023.
Từ tháng 7.2022, công ty đã không tuyển dụng công nhân mới. “Từ đó, số lượng công nhân của công ty bị giảm do có người nghỉ làm để đi xuất khẩu lao động hoặc tìm công việc mới” - ông Phạm Đình Hoà - Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty cho hay.
Cụ thể, từ tháng 8.2022 đến nay, theo ông Hoà, công ty có khoảng 2.000 người lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động do công ty không có đơn hàng, ít làm thêm. Từ tháng 6.2022 đến nay, ông Hoà nói thêm, trong số những người xin nghỉ việc, có khoảng 80% người đi xuất khẩu lao động.
Vẫn theo ông Hoà, công ty đã phải thông báo với cơ quan quản lý lao động của tỉnh là sắp tới sẽ phải cắt giảm 300 công nhân lao động. Đây mới chỉ là con số thông báo, còn tùy vào tình hình thực tế, căn cứ vào số lượng công xin nghỉ (do nhiều lý do), công ty sẽ điều chỉnh.
Theo Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty, trước tình hình này, Công đoàn cơ sở thường xuyên tiếp xúc, động viên người lao động cố gắng cùng với công ty vượt qua khó khăn; lưu ý đối với người lao động khi xin nghỉ việc tại công ty cần xác định có tìm được việc ngay hay không, bởi nếu không thì sẽ rất khó khăn cho công nhân khi không còn thu nhập. Thu nhập tại công ty, dù không tăng ca, chỉ làm giờ hành chính cũng được khoảng 7-9 triệu đồng/tháng; nếu có tăng ca được 14-15 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, Công đoàn cơ sở còn tham gia để quyền lợi của người lao động được đảm bảo theo quy định của pháp luật khi chấm dứt hợp đồng lao động; giới thiệu việc làm mới cho một số công nhân lao động ở tỉnh xa nghỉ việc đến những đơn vị khác.
Công đoàn thường xuyên nắm bắt tình hình việc làm
Chị N.T.H - công nhân công ty điện tử trong khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội - cho hay, 2 tháng nay, công ty nơi chị làm việc không tổ chức làm thêm, thu nhập của chị vì thế đã giảm nhiều. Trong thời điểm cuối năm cần chi tiêu nhiều khiến cuộc sống của chị càng khó khăn hơn. Theo nữ công nhân này, Công đoàn cơ sở công ty cũng thường xuyên nắm bắt tình hình việc làm tại công ty để có sự hỗ trợ, chủ động tham gia với chủ sử dụng lao động, đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Chủ tịch Công đoàn cơ sở một công ty điện tử tại Khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) thì cho hay, tại đơn vị này, chỉ có một bộ phận sản xuất thiếu việc nên việc làm của công nhân bị ảnh hưởng; còn một số bộ phận khác, công nhân vẫn tăng ca, làm thêm bình thường như trước đây. Trước tình hình này, Công đoàn thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân để kịp thời có hỗ trợ kịp thời nếu xảy ra tình trạng thiếu việc.
Còn tại Vĩnh Phúc, bà Bành Hải Ninh - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh - cho biết, về cơ bản, các doanh nghiệp trong khu vẫn duy trì việc làm ổn định; chỉ có một số doanh nghiệp điện tử có tình trạng ít việc, nhưng vẫn cố gắng duy trì việc làm để công nhân đi làm đủ, tuy không tăng ca.
Theo bà Bành Hải Ninh, vừa qua, Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các Công đoàn cơ sở thường xuyên nắm bắt tình hình việc làm, xây dựng lương, thưởng Tết cho công nhân lao động, kịp thời báo cáo tới Công đoàn cấp trên.