7 năm trước, khi tốt nghiệp cao đẳng kế toán, anh Nguyễn Hữu Thành (31 tuổi, trú tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) nộp hồ sơ xin việc ở nhiều nơi nhưng chưa tìm được công việc phù hợp.
Thế rồi, anh theo bạn ra tỉnh Bắc Ninh làm công nhân ở một nhà máy may. Công việc của anh là kiểm hàng hoặc cắt vải, tổng thu nhập từ lương, tăng ca mỗi tháng của anh Thành trung bình khoảng 10 triệu đồng.
Tuy nhiên, năm 2022, công ty nơi anh làm việc phải cắt giảm nhân sự vì không có đơn hàng. Dù không nằm trong diện cắt giảm và Tết Nguyên đán Quý Mão vẫn được thưởng 1 tháng lương nhưng anh quyết định sẽ trở về quê kiếm việc làm, không xa quê nữa.
Với vốn kinh nghiệm 6 năm làm công nhân ở một công ty may mặc lớn, anh Thành nghĩ đến việc sẽ xin vào làm ở một nhà máy may ở huyện Cam Lộ hoặc huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị).
“Thấy ở quê có nhiều nhà máy may đang có nhu cầu tuyển dụng lao động. Tìm hiểu thì thấy thu nhập thấp hơn so với công ty em từng làm, nhưng ở quê chi phí ít hơn, nếu tìm được việc thì em sẽ không xa quê nữa” - anh Thành cho hay.
Tìm hiểu được biết, không ít công ty may mặc ở tỉnh Quảng Trị đang thiếu lao động và có nhu cầu tuyển dụng.
Như ở Công ty Cổ phần May và Thương Mại Gio Linh (Khu Công nghiệp Quán Ngang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) mới mở rộng thêm công xưởng, hiện 2 chuyền chưa có lao động. Để lấp đầy, cần hơn 60 lao động nữa song việc tuyển dụng cũng khó khăn. Ở công ty này, mức lương cơ bản của công nhân là 4,5 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân là 6 triệu/tháng.
Ngoài ra, Công ty Cổ phần May xuất nhập khẩu Tân Định (huyện Cam Lộ) cũng đang thiếu hụt lao động và có nhu cầu tuyển dụng…
Theo LĐLĐ tỉnh Quảng Trị, những tháng cuối năm 2022, trên địa bàn có 21 doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng phải cắt giảm giờ làm và chấm dứt hợp đồng lao động với 890 lao động. Đầu năm 2023, tình hình có khả quan hơn, khi các doanh nghiệp, trong đó có may mặc, chế biến gỗ… đã tìm được các đơn hàng mới và có nhu cầu tuyển dụng lao động trở lại.
Trung bình một năm, Quảng Trị giải quyết việc làm cho hơn 11.000 lao động. Tuy nhiên, con số này chủ yếu tập trung vào phân khúc lao động phổ thông, lao động có kỹ năng nghề cao thiếu so với nhu cầu.