Trụ lại ở Bình Dương
Đến nay đã hơn 3 tháng không đi làm, anh Nguyễn Văn Bước (36 tuổi, quê Kiên Giang) vẫn đang cố gắng bám trụ lại ở nhà trọ tại phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Anh Bước cho biết, khu vực mình ở trọ có nguy cơ lây nhiễm cao, bị phong tỏa thời gian dài. Chính quyền địa phương mới đưa dân ra ngoài đi cách ly, sau đó khử trùng rồi cho quay trở lại nơi ở.
Suốt một thời gian dài anh Bước cùng những người lao động tại đây chỉ có thể ở trong phòng trọ và đợi đến kỳ đi test COVID-19, nhiều người đã mắc bệnh. Do không đi làm, không có thu nhập, tiền tích trữ và tiền hỗ trợ cũng chi tiêu hết. Vì là dân nhập cư nên cuộc sống khó khăn vốn đã khó khăn, nay lại vất vả hơn bao giờ hết.
''Những ngày qua, thấy người dân về quê, mình cũng nóng lòng lắm. Nhưng nghĩ lại mình đã tiêm được 1 mũi vaccine, nên ráng chờ để tiêm mũi 2 rồi đi làm luôn. Hiện tại nếu về quê cũng không có việc làm, không có thu nhập, tình hình cũng không khả quan hơn trước là bao“- anh Bước chia sẻ.
Chị Bùi Thị Hôn (28 tuổi, quê Hòa Bình) cho biết, mình cũng trong hoàn cảnh thất nghiệp ở nhà đã hơn 3 tháng. Trong thời gian ở nhà trọ đã bị lây nhiễm COVID-19 và được điều trị khỏi bệnh. Hiện đang chờ lấy giấy xác nhận hoàn thành cách ly để vào công ty làm việc.
"Quê em ở xa, muốn về cũng không được, trong khi đó dịch bệnh còn nguy hiểm, về quê lỡ liên lụy tới mọi người. Công ty em đang hoạt động lại rồi, em ráng trụ thêm ít bữa có giấy xác nhận hoàn thành cách ly thì vào công ty 3 tại chỗ. Những ngày ở trọ, em hỗ trợ chuyển lương thực thực phẩm cho những người bệnh khó khăn trong khu vực phong tỏa" - chị Hôn chia sẻ.
Cùng làm việc ở khu công nghiệp Mỹ Phước, anh Nguyễn Văn Tịnh (27 tuổi, quê Đồng Tháp) và vợ vẫn đang cố găng bám trụ lại ở Bình Dương. Chờ tiêm vaccine và đi làm trở lại để sớm ổn định cuộc sống.
Nương tựa vào nhau
Dịch bệnh đã đẩy hàng trăm ngàn công nhân lao động ở Bình Dương vào cảnh khó khăn. Ở những khu phong tỏa nguy cơ lây nhiễm cao, người lao động vừa sống trong thiếu thốn vừa sợ hãi lây nhiễm dịch bệnh.
Tại nhà trọ ở gần khu công nghiệp Mỹ Phước, mấy tháng nay chị Nguyễn Thị Ngon (35 tuổi, quê Bạc Liêu) không có việc làm lại ở một mình. Tiền tích trữ đã hết, trong phòng trọ cũng không còn gì để ăn, lại không có người thân. Có lúc hết đồ ăn, chị nghĩ dại mong bị F0 để được vào khu cách ly khỏi lo chuyện ăn ở.
Rất may, chị Ngon được những người lao động cùng dãy trọ đùm bọc, cơm rau để dìu nhau qua giai đoạn khó khăn. Gần đây, chị Lê Thị Kim Anh (33 tuổi, quê An Giang, làm công nhân Công ty giày) đã đón chị Ngon qua ở cùng với mình để tiện chăm sóc. Hai người phụ nữ xa quê sống giữa điểm nóng dịch bệnh nương tựa vào nhau.
Đáng chú ý, ở khu vực này, nhiều F0 sau khi khỏi bệnh về nơi ở đã tình nguyện hỗ trợ những lao động khác khó khăn hơn mình. Chị Bùi Thị Hôn như một shipper đồ cứu trợ các hộ dân khó khăn. Những lúc rảnh rỗi, chị nắm bắt thông tin những người khó khăn trên cùng tuyến đường. Sau đó, cung cấp thông tin vận động mạnh thường quân hỗ trợ.
Ngày 3.10, chị Hôn đã vận động và trao 7 phần quà (mỗi phần trị giá 300.000 đồng) của mạnh thường quân gồm gạo, thịt, rau củ quả cho những gia đình có con nhỏ gặp khó khăn. Ngày 5.10 tiếp tục trao thêm một phần quà 500.000 đồng cho chị Nguyễn Thị Ngon, để động viên tinh thần mong chị mạnh mẽ vượt qua lúc khó khăn.