Lo giá nhiều mặt hàng cùng tăng
Chị Nguyễn Thị Dung - công nhân (CN) xưởng 9, Cty TNHH Hansae Việt Nam (KCN Tây Bắc Củ Chi) - chia sẻ: Từ nhiều năm qua, chị cùng chồng và hai con nhỏ ở trọ. Mặc dù thiết bị điện trong gia đình chỉ có 2 cái quạt, một nồi cơm điện, một máy vi tính và chủ yếu sử dụng vào buổi tối khi gia đình sum họp, nhưng mỗi tháng nhà chị cũng phải trả từ 200.000 - 250.000 đồng tiền điện. Với thu nhập của cả hai vợ chồng kể cả khi tăng ca được khoảng 13 triệu đồng/tháng, số tiền điện trên cũng là một khoản phải cân nhắc khi bật thêm cái quạt vào lúc nóng bức.
“Tôi có nghe thông tin về việc điện tăng, nhưng hiện chủ nhà trọ chưa thông báo gì về việc tăng giá điện. Nhưng mà người ta tăng giá thì mình cũng chịu thôi chứ biết làm sao”. Thế nhưng, tiền điện tăng chưa phải là lo ngại nhất đối với CN. Chị Dung nói thêm: “Con cá, mớ rau trong bữa ăn, hay cuốn tập, cây viết của con khi đi học, tất tần tật đều phụ thuộc vào giá điện, giá xăng. Nay giá điện tăng, chắc chắn giá cả sinh hoạt rồi cũng sẽ tăng thêm, trong khi lương CN thì chưa tăng, đời sống chúng tôi sẽ khó khăn hơn”.
Ông Nguyễn Duy Quốc Việt - Phó Tổng Giám đốc TCty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) - cho biết, đơn vị này đã có nhiều biện pháp để chống việc chủ nhà trọ bán điện cao hơn giá quy định. Cụ thể EVNHCMC thực hiện niêm yết công khai biểu giá bán điện tại các khu nhà cho thuê, tại các điểm tập trung dân cư, nơi tiếp dân của UBND quận, huyện, phường, xã, các Ban Điều hành khu phố, tổ dân phố, và các KCX, KCN. Ngoài ra, EVNHCMC phối hợp với gần 65.000 chủ nhà trọ ký cam kết bán điện đúng giá cho người ở trọ và giải quyết cho gần 1,6 triệu người thuê nhà để ở được mua điện đúng giá quy định. Ngoài ra, tổng đài chăm sóc khách hàng của EVNHCMC 1900545454 luôn sẵn sàng tiếp nhận các thông tin về việc chủ nhà trọ bán điện quá giá quy định và cam kết sẽ giữ bí mật thông tin cho người cung cấp thông tin.
“Song song đó, EVNHCMC chủ động lập kế hoạch thực hiện và tích cực phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác kiểm tra, lập biên bản và xử lý các trường hợp chủ nhà trọ vi phạm quy định về áp giá bán điện đối với CNLĐ và sinh viên thuê nhà để ở trên địa bàn” - đại diện EVNHCMC nói.
Công nhân lại thêm gánh nặng
Mặc dù ngành điện TPHCM đã có nhiều nỗ lực như thế, nhưng trên thực tế, vẫn có nhiều nơi chủ nhà trọ ngại làm thủ tục để cho CNLĐ ở trọ được hưởng diện đúng giá. Còn người thuê nhà trọ vì ngại phiền hà với chủ nhà nên cũng không thông báo kịp thời cho ngành điện để được hỗ trợ. Vì thế, việc CNLĐ vẫn phải trả giá điện cao hơn quy định vẫn thi thoảng xảy ra.
“Công nhân lại thêm nặng gánh” - anh Hoàng Văn Luật (CN KCN Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội, đang thuê trọ tại thôn Đông Bầu, xã Kim Chung, Đông Anh) cho ý kiến. Cả hai vợ chồng anh Luật đều làm CN KCN, nên thu nhập chỉ vào khoảng gần 12 triệu đồng/tháng. Do con còn nhỏ, nên anh chị phải nhờ bà nội ở quê lên trông giúp. Mọi chi phí sinh hoạt của gia đình chỉ trông vào đồng lương của hai vợ chồng. Hiện nay, gia đình đang trả tiền thuê phòng là hơn 1 triệu đồng/tháng, tiền điện chủ nhà thu 3.000 đồng/kWh, áp dụng cho mỗi phòng trọ (4 người phòng), có được lắp côngtơ riêng. “Qua thông tin tôi nắm được thì giá điện sinh hoạt do nhà nước quy định chỉ khoảng hơn 2.100 đồng/kWh, do đó chúng tôi cũng đã thắc mắc với chủ nhà. Tuy nhiên, chủ nhà trọ trả lời là không biết đến quy định trên nên vẫn áp dụng thu 3.000 đồng/kWh. Hiện nay là mùa xuân, nên gia đình ít dùng điện nên mỗi tháng chỉ tốn khoảng gần 200.000 đồng (gần 70kwh). Tôi đang lo, khi vào hè, gia đình đông người, lại có cháu nhỏ nên phải sử dụng nhiều điện. Vào thời điểm hè năm 2018, mỗi tháng gia đình chi hết khoảng 500.000-600.000 đồng tiền điện, nay giá điện lại tăng hơn 8,3% thì chắc chắn chi phí tiền điện sẽ nhiều hơn, khiến CN chúng tôi lại thêm nặng gánh; phải thắt chặt các khoản chi tiêu” - anh Luật chia sẻ.
Hộ nhà ông Lê Văn Tiến (xóm 2, thôn Thần Nữ, xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên, Hà Nam) hiện có 20 phòng cho CN thuê trọ, với tổng số người thuê là 59 người (43 người lớn, 16 trẻ em). Ông Lê Văn Tiến cho biết mức thu tiền điện hiện nay đang áp dụng theo đúng quy định của nhà nước, tính thêm chút phụ tải là 2.200 đồng/kwh. “Khi giá điện tăng thêm 8,3%, gia đình tôi sẽ nghiêm chỉnh chấp hành quy định, thu đúng, thu đủ, không thu vượt để NLĐ không phải chịu thêm gánh nặng tiền điện, bởi đời sống của họ còn nhiều khó khăn” - ông Tiến khẳng định.