Có chỉ tiêu cụ thể cho từng hoạt động
Mới đây nhất, tại hội nghị sơ kết hoạt động công đoàn quý I, quán triệt một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới do Tổng LĐLĐVN tổ chức, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang đề nghị các cấp CĐ luôn bám sát các mục tiêu, các chỉ tiêu được giao. Việc triển khai cần bám sát và chỉ ra kết quả cụ thể của từng quý. Khi đề ra nhiệm vụ của quý sau, cần quy định có chỉ tiêu cụ thể đối với những nội dung có tính định lượng.
Trong đó, các cấp CĐ cần xác định chỉ tiêu và phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS là chỉ tiêu quan trọng đối với tổ chức. Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2023 cả nước có 12 triệu đoàn viên CĐ, đến 2025 cả nước có 13,5 triệu đoàn viên CĐ.
Đặc biệt, hiện các cấp CĐ đang tích cực triển khai Chương trình “Một triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” - chương trình trọng tâm của công tác thi đua. Thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đánh giá Chương trình 75.000 sáng kiến của CĐ tổ chức vì phong trào hết sức thiết thực. Hiện nay, Chương trình “Một triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” cũng được quan tâm vì bản thân
Chương trình đã đặt ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Hơn thế là ý nghĩa thiết thực của Chương trình trong quá trình góp phần khôi phục kinh tế. Chính vì tầm quan trọng và tính thiết thực của Chương trình nên các cấp CĐ đã phân công 1 cán bộ chịu trách nhiệm việc quản trị hệ thống, đôn đốc, kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện. Chỉ đạo thành lập tổ hỗ trợ sáng kiến tại các cấp, có cơ chế tạo điều kiện để Tổ hoạt động hiệu quả. Nhiều nơi đã có cơ chế, phương thức động viên, khen thưởng phù hợp, kịp thời nhằm thúc đẩy, nâng cao hiệu quả chương trình...
Mỗi hoạt động phải mang tính thiết thực
Tháng Công nhân là thời gian cao điểm tập trung tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, NLĐ. Để triển khai hiệu quả kế hoạch tổ chức Tháng Công nhân năm 2022 gắn với kỷ niệm 136 năm Ngày Quốc tế Lao động và Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2022, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang đề nghị trên tinh thần đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới của Nghị quyết 02, các cấp CĐ tham mưu, đề xuất để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền gặp gỡ, đối thoại với cán bộ CĐ và CNVCLĐ. CĐCS phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức diễn đàn “Công nhân vì doanh nghiệp - doanh nghiệp vì công nhân”, tạo cơ hội để người sử dụng lao động và NLĐ lắng nghe, chia sẻ, cùng nỗ lực vượt khó, phục hồi phát triển doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
CĐ tham gia cùng các cơ quan tại địa phương nhằm tư vấn, hỗ trợ thực hiện các thủ tục để NLĐ sớm nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ; thông tin, chỉ đạo, hướng dẫn CĐ các cấp trong việc giám sát thực hiện Nghị quyết số 17 ngày 23.3.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của NLĐ trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”…
Thời gian tới, các cấp CĐ cần chủ động nắm bắt tình hình tiền lương, nợ lương, nợ BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp trên địa bàn mình, ngành mình. Theo dõi sát tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong KCN. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động, CĐ, BHXH, BHYT, BHTN… của các doanh nghiệp.
Đối với việc tổ chức hoạt động Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2022, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang yêu cầu các cấp CĐ phải lựa chọn các hoạt động, hình thức phù hợp để triển khai thực hiện, đảm bảo chất lượng, tiến độ và quy định phòng, chống dịch của địa phương. Đặc biệt các hoạt động phải thiết thực, sáng tạo.