Chờ kinh phí hỗ trợ DN di dời?
Ông Văn Tiến Đức cho hay, ngày 31.8.2017, Cty có công văn gửi đến CĐ ngành Công thương Hà Nội và 5 NLĐ nguyên là nhân viên của Cty (trong đó có ông) với nội dung như sau: Sau buổi làm việc ngày 14.8.2017 giữa Cty và 5 NLĐ nguyên là nhân viên của Cty tại CĐ ngành Công thương Hà Nội, Hội đồng Quản trị Cty đã tiến hành họp ngày 18.8.2017 và đã có công văn gửi UBND TP.Hà Nội xin ý kiến về việc tiếp tục thực hiện dự án di dời cơ sở sản xuất hiện nay tại địa chỉ số 277 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) ra khỏi nội thành do không phù hợp quy hoạch.
Ngày 11.8.2017, Cty đã có công văn xin ý kiến UBND TP.Hà Nội, Sở Tài chính, Sở LĐTBXH TP.Hà Nội về việc hướng dẫn giải quyết chế độ cho NLĐ sau khi chấm dứt HĐLĐ. Đến nay Cty vẫn chưa nhận được hướng dẫn từ các cấp có thẩm quyền.
Trong công văn nói trên, Cty nêu rằng, hiện nay tình hình tài chính của Cty gặp rất nhiều khó khăn, Cty không thể đầu tư mở rộng sản xuất do đang nằm trong diện phải di dời, Cty chưa có nguồn để chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ chấm dứt HĐLĐ. Để giải quyết vấn đề này, Cty đang tiến hành các thủ tục để lập phương án di dời cơ sở nhà đất hiện Cty đang quản lý tại 227 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội).
Dự kiến đến tháng 12.2017 sẽ thành lập Cty CP để thực hiện dự án; tháng 7.2018, hoàn thiện phương án di dời trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và đến quý IV/2018 triển khai thực hiện phương án di dời trong đó có nguồn kinh phí hỗ trợ DN. Khi có nguồn kinh phí, Cty sẽ tiến hành chi trả các khoản trợ cấp cho NLĐ theo quy định.
Không đồng tình với lộ trình của Cty
Trước lộ trình chi trả các khoản trợ cấp cho NLĐ đã chấm dứt HĐLĐ từ tháng 7.2015 của Cty, ông Văn Tiến Đức cho rằng đó là lộ trình mà những NLĐ đã chấm dứt HĐLĐ như ông không thể chấp nhận được. Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2012 nêu rõ: Khi HĐLĐ chấm dứt theo quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp nửa tháng tiền lương. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo HĐLĐ của 6 tháng liền kề trước khi NLĐ thôi việc.
Theo quy định trên, mỗi năm, NLĐ được hưởng trợ cấp 1/2 tháng lương từ khi vào Cty đến năm 2008 (trước thời điểm tham gia BHTN năm 2009). Tuy nhiên, đã 2 năm trôi qua kể từ khi chấm dứt HĐLĐ, ông Văn Tiến Đức cùng một số NLĐ khác vẫn chưa nhận được bất cứ khoản trợ cấp nào.
Theo ông Văn Tiến Đức, việc Cty CP Giày Thượng Đình chi trả các khoản trợ cấp cho NLĐ đã chấm dứt HĐLĐ phải theo Bộ luật Lao động năm 2012 chứ không phải báo cáo và chờ nguồn kinh phí xin hỗ trợ DN di dời từ TP.Hà Nội. Bởi giả sử Cty được TP.Hà Nội hỗ trợ kinh phí di dời, những NLĐ đang làm việc cho Cty mới được hỗ trợ, còn những NLĐ đã chấm dứt HĐLĐ như ông không thuộc diện được hỗ trợ. Cty không thể trích nguồn kinh phí hỗ trợ di dời đó để chi trả các khoản trợ cấp cho NLĐ đã chấm dứt HĐLĐ như ông. Mặt khác, ông Văn Tiến Đức khẳng định, Cty đã hoàn thành thủ tục cổ phần hóa DN ngày 19.7.2016 chứ không phải dự kiến tháng 12.2017 như công văn của Cty trả lời CĐ ngành Công thương Hà Nội và 5 NLĐ nguyên là nhân viên của Cty. Đấy chỉ là chiêu để Cty đánh lạc hướng dư luận, lần lữa việc chi trả các khoản trợ cấp cho NLĐ đã chấm dứt HĐLĐ. Về vấn đề này, luật sư Phạm Ngọc Minh thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội cũng cho rằng, việc nào ra việc ấy, chi trả hỗ trợ cho NLĐ chấm dứt HĐLĐ là theo Bộ luật Lao động và không liên quan đến việc Cty xin TP.Hà Nội hỗ trợ Cty di dời cơ sở sản xuất.
Ông Văn Tiến Đức cũng cho biết thêm, ngày 6.9.2017, Văn phòng UBND TP.Hà Nội có văn bản trả lời Cty CP Giày Thượng Đình về việc giải quyết đơn của ông cùng một số công dân tổ dân phố Trù 4, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) kiến nghị TGĐ Cty CP Giày Thượng Đình giải quyết chế độ khi chấm dứt HĐLĐ. Văn bản nói trên của Văn phòng UBND TP.Hà Nội nêu rõ: “Về nội dung trên, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội có ý kiến như sau: Giao Cty CP Giày Thượng Đình kiểm tra, giải quyết theo quy định của pháp luật, trả lời công dân, báo cáo UBND TP.Hà Nội kết quả thực hiện trước ngày 15.9.2017”.