Dịch vụ y tế cần đảm bảo
Vấn đề y tế: Do đa số công nhân vẫn là dân nhập cư nên việc tiếp cận các dịch vụ công còn khó khăn, bảo hiểm y tế vẫn nhiêu khê, hời hợt, chất lượng thấp chỉ để khám bệnh vặt, nếu bệnh nặng vẫn phải vượt tuyến về TPHCM. Phòng khám tư tuy dịch vụ tốt nhưng chi phí quá cao, nên chi cho an toàn lao động chỉ có DN lớn đảm bảo, còn đa số rất sơ sài qua loa. Chứng chỉ huấn luyện an toàn lao động là loại giấy tờ có thể mua với giá rẻ nhất trong các loại giấy tờ - rất hình thức và thiếu nhân văn, thiếu huấn luyện an toàn thật nên tai nạn khá nhiều. Và khi tai nạn lao động xảy ra, nó không chỉ ảnh hưởng đến công nhân mà cả người phụ thuộc như con cái, cần chấn chỉnh mạnh, thưa Thủ tướng.
Coi trọng văn hóa, giáo dục, hướng nghiệp
Công nhân cũng có nhu cầu xem kịch, coi hát, nghe nhạc, chơi thể thao, học nâng cao chuyên môn, gặp gỡ giao tiếp thường xuyên hơn với các tầng lớp cấp tiến khác: Kỹ sư, thương nhân, doanh nghiệp, quan chức, bạn bè, đồng nghiệp, hội nghề nghiệp để phát triển bản thân. Do đó, chúng tôi mong có:
Một là, hội đạo đức nghề nghiệp cho công nhân, lao động. Làm giỏi thì CV (sơ yếu lý lịch) đẹp; làm gian dối thì vào danh sách đen, không doanh nghiệp nào nhận; chứng chỉ có thời hạn để đảm bảo việc rèn luyện bản thân.
Hai là, thị trường chuyển nhượng lao động. Lao động giỏi có quyền chọn chỗ tốt hơn nhưng phải trả phí phá hợp đồng vì doanh nghiệp đổ bao tiền của tâm huyết mới có được vài nhân sự tốt. Nếu ra đi, lao động và doanh nghiệp mới phải trả phí đào tạo, bỏ ngang thì phạt theo hợp đồng. Cần khuyến khích việc đào tạo và phát triển con người, đừng tạo điều kiện cho những tư duy khôn vặt, ăn cắp, hớt tay trên của doanh nghiệp chụp giật, thiếu đạo đức. Người lao động cũng thấy rõ giá trị của mình mà phấn đấu. Làm việc hời hợt tất sẽ chẳng mấy ai cần, giảm tư duy đứng núi này thấy núi kia cao hơn, bớt chuyện ăn cắp vặt tài sản và thời gian vì CV thể hiện rõ việc đó. Rất mong có cơ chế để các bên tự giám sát nhau, cùng nhau phát triển, cùng nhau đào thải thói hư tật xấu khỏi môi trường làm việc.
Ba là, Công đoàn và thanh niên nên hỗ trợ để có thể xã hội hóa các dịch vụ phục vụ nhu cầu văn hóa giáo dục hướng nghiệp: Xây dựng dữ liệu ngành nghề, nhân lực, nhu cầu của địa phương để xin thành lập các trung tâm về dịch vụ nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đào tạo có không gian để phát triển, có chợ để trao đổi hàng hóa sức lao động, có kết nối để bán được hàng hóa giá cao,…
Bốn là, phải làm việc nghiêm túc 10.000 giờ mới thành thục một nghề, phải mất tối thiểu 10 năm mới tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn, điều đó luôn đúng. Ổn định công việc tại một DN từ 4-5 năm nếu kết hợp mày mò tự đào tạo, giao lưu với các đồng nghiệp giỏi, mà muốn làm việc lâu dài thì tất nhiên các điều kiện phải có sức cạnh tranh: Lương khá, chế độ đầy đủ, điều kiện làm việc an toàn, không quá độc hại, khắc nghiệt, nhà ở, giáo dục, y tế, văn hóa,… phải đảm bảo cơ bản. Con cái của người lao động nhìn vào thực tế đãi ngộ mà dám theo, dám tiếp bước cha anh vào nghề thì ngành nghề đó mới phát triển, còn không có hoặc thiếu thế hệ kế cận, tất yếu ngành nghề đó mai một.
Giảm bớt thủ tục hành chính cho công nhân
Với công nhân, mỗi lần làm lại giấy tờ là phải xin nghỉ làm, mất ngày công của công nhân, doanh nghiệp. Các thủ tục về đất đai, vi phạm giao thông, hành chính, hình sự,… rất dễ bị cán bộ địa phương hướng dẫn thiếu sót khiến phải đi lại rất nhiều lần, tốn kém, buộc phải nhờ “cò”, trung gian để làm cho nhanh, hoặc nhờ thẳng cán bộ giúp, rất tốn kém. Đề nghị Chính phủ đầu tư mạnh hơn, nhanh hơn cho cải cách hành chính, chính phủ điện tử, khai báo điện tử để công nhân, người dân được giải phóng khỏi nỗi lo thủ tục hành chính, làm sao để vừa đi làm mà vẫn nộp, nhận được đơn thư, chứng từ, văn bản với cơ quan hành chính. Quản lý nhà nước tiến lên công nghệ 4.0 dễ hơn doanh nghiệp nhiều, nên làm trước để cả xã hội thừa hưởng sự tiến bộ văn minh đó.
Rất mong Thủ tướng lắng nghe và thấu hiểu những tồn tại cản trở phát triển.
Xin cảm ơn và gửi lời chúc sức khỏe đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Mời đặt câu hỏi với Thủ tướng về những chính sách cho công nhân, lao động kỹ thuật cao
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ công nhân, lao động kỹ thuật cao năm 2019 dự kiến diễn ra vào ngày 5.5 tại TP.Hồ Chí Minh.
Để Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan có thêm thông tin trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến lực lượng công nhân, lao động kỹ thuật cao, Tổng LĐLĐVN đề nghị LĐLĐ tỉnh, thành phố; CĐ ngành Trung ương; CĐ TCty trực thuộc Tổng LĐLĐVN hướng dẫn, vận động CNLĐ đặt câu hỏi với Thủ tướng Chính phủ theo 5 nhóm vấn đề chính:
1. Những chính sách của doanh nghiệp đối với lực lượng công nhân kỹ thuật cao.
2. Những chính sách của địa phương trong việc phát triển nguồn nhân lực có kỹ thuật cao.
3. Đề xuất của CNLĐ có kỹ thuật cao đối với Chính phủ trong việc ban hành những chính sách để tạo động lực phát triển bản thân.
4. Cần làm gì để những lao động bình thường trở thành công nhân kỹ thuật cao.
5. Tâm tư nguyện vọng của chính những công nhân có kỹ thuật cao để có thể đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của doanh nghiệp, của địa phương và đất nước.
Nội dung câu hỏi đề nghị gửi về địa chỉ email: gapgothutuong@laodong.vn
Thời gian nhận câu hỏi từ ngày 11.4.2019 đến 11h00 ngày 3.5.2019.
Riêng đối với các tỉnh, thành phố: TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Dương, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai và Công đoàn các ngành Trung ương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng LĐLĐVN: Dầu khí, Hàng không, Hàng hải, Điện lực, Xây dựng, Nông nghiệp… ngoài việc hướng dẫn công nhân lao động gửi câu hỏi về địa chỉ trên, đề nghị tập hợp trực tiếp câu hỏi của công nhân (không giới hạn số lượng), tìm các câu hỏi có tính đại diện cho CNLĐ của địa phương mình, phân loại câu hỏi theo nhóm vấn đề và gửi về địa chỉ trên trước ngày 20.4.2019.
TỔNG LĐLĐVN THÔNG BÁO!