Lao động tự do: Thu nhập 50.000 đồng/ngày, "tiền đâu mà lo Tết"

KHÁNH LINH |

TPHCM - Tác động của dịch COVID-19 đã khiến nhiều lao động tự do ở các tỉnh, thành phố lâm vào tình cảnh thất nghiệp, thu nhập bấp bênh. Tại TPHCM, đợt dịch lần thứ 4 vừa qua khiến việc mưu sinh của những người lao động tự do ngày càng thêm khó khăn.

Khi cuộc sống dần trở lại bình thường, đường phố dần đông đúc nhộn nhịp, một số ngành nghề đã hoạt động trở lại nhưng vẫn còn rất nhiều những người lao động tự do vẫn chao đảo trước làn sóng của dịch COVID-19.

Thu nhập bấp bênh, "100.000 đồng là mừng rồi"

Ngồi bệt trên vỉa hè trên đường Lê Đại Hành (quận 11, TPHCM) chờ khách, đến giữa trưa ông Trần Hữu Sơn (65 tuổi) - tài xế xe ôm truyền thống cũng mới chỉ chạy được một cuốc xe. Thời điểm sát Tết năm nay khác hẳn so với những năm trước, ông Sơn chỉ biết "ngồi chơi". Thu nhập càng ngày càng giảm sút, nhất là trong và sau khi đợt dịch COVID-19 bùng phát ở TPHCM.

Ông Sơn tâm sự, đến nay hơn 60 tuổi nhưng ông cũng không lập gia đình. Ngày trước, ông Sơn cũng nhiều lần cảm thấy tủi thân vì tối ngày chỉ có một mình lủi thủi. Nhưng qua đợt dịch vừa rồi, khó khăn càng thêm khó khăn, ông Sơn lại cảm thấy "may" mà không lập gia đình.

"Ngày kiếm được 5 chục ngàn, chỉ đủ đổ xăng chưa nói tới ăn uống thì làm sao mà nuôi vợ nuôi con", ông Sơn tâm sự.

 
Ông Sơn lặng lẽ ngồi bên vỉa hè chờ khách. Ảnh: Chân Phúc.

Vắng khách nên thay vì về sớm như mọi ngày, những ngày cuối năm, ông Sơn cũng thường nán lại ngồi chờ "tăng ca" muộn hơn. Dù đã đến cái tuổi cần được nghỉ ngơi, an dưỡng nhưng cuộc sống khó khăn, ông Sơn vẫn phải mưu sinh từng ngày. Với ông, Tết cũng chỉ như ngày thường với nỗi lo “cơm áo gạo tiền”.

"Mình làm được bao nhiêu xài bấy nhiêu. Tết nhất thì cũng như bình thường thôi, mình nghèo mà, tới đâu hay tới đó. Ngày lo 3 bữa ăn thôi chứ tiền đâu mà lo Tết"- ông Sơn nói.

Cũng giống như ông Sơn, ông Lê Văn Ba (ngụ quận 5, TPHCM), dù làm tài xế công nghệ nhưng những ngày này thu nhập của ông cũng chẳng được là bao dù mỗi ngày đều đặn ra đường đi làm từ 5-6h sáng đến 12h đêm.

"Bình quân mỗi ngày cũng chỉ có khoảng 2 cuốc xe chở người, 2 chuyến xe chở hàng. Một ngày mà kiếm được 100.000 đồng là tôi mừng rồi. Kiếm được ít tiền thì mình phải tằn tiện hơn, ăn uống tiết kiệm. Đi làm về đói ăn gì cũng thấy ngon, nhiều khi ăn bún với đậu chiên không cũng thấy ngon nữa đâu cần phải có thịt"- Ông Ba tâm sự.

 
Không chỉ xe ôm truyền thống mà tài xế công nghệ cũng đang phải chật vật mưu sinh.

Các con của ông Ba đều đã lớn và tự lập về tài chính. Giờ đây ông Ba đi làm mỗi ngày chỉ lo cho bản thân và phụ giúp lo cho bố mẹ già. Ông tâm sự nếu một ngày ông đi làm kiếm được 200.000 đồng, ông sẽ để lại 100.000 đồng cho bản thân trang trải sinh hoạt, 100.000 đồng còn lại ông sẽ dùng để lo cho bố mẹ già.

Không mong sẽ có thể "sắm" Tết

Bà Chung Phùng Lan (ngụ quận 11, TPHCM) hơn 30 năm nay kiếm sống bằng nghề bán báo và vé số, lăn lộn ngoài đường. Trước dịch, một tháng bán hàng bà Lan cũng để ra được khoảng 3 triệu, nhưng thời gian gần đây số tiền đó chỉ còn khoảng 1 triệu đồng.

"Thu nhập một ngày của tôi cũng chỉ khoảng 150.000 đồng, sống "lết lết" qua ngày đủ đi chợ ăn 3 bữa thôi”- Bà Lan tâm sự.

Bà Lan có 3 người con, chồng bà là trụ cột chính trong gia đình nhưng đã mất được gần 10 năm nay. Trong 3 người con, chỉ có một người con trai cả là đã ra trường có việc làm, còn lại 2 người con vẫn còn đang đi học đại học. Số tiền đóng học cho con út đầu năm học bà cũng phải đi vay mượn mới đủ đóng một nửa.

"Tiền học của đứa con gái út năm nay vừa vào đại học, tôi cũng mới chỉ đóng được một nửa là 3 triệu đồng, mà số tiền đó cũng phải vay mượn thêm mới đủ"- Bà Lan kể.

 
Số tiền những người lao động tự do như bà Lan kiếm được chỉ đủ tiền chi phí ăn uống, thuốc thang hàng ngày. Ảnh: Chân Phúc.

Khi hỏi về cái Tết đang tới ngày một gần, bà Lan lắc đầu. Với hoàn cảnh và số tiền kiếm được mỗi ngày như hiện tại, bà cũng không mong sẽ có thể "sắm" Tết.

"Dù là Tết dương lịch hay Tết âm lịch, tôi cũng không nghỉ bán một ngày nào. Năm nào cũng thế và năm nay cũng vậy, phải đi bán thì mới có tiền ăn"- Bà Lan nói.

Tết với nhiều người dường như là quãng thời gian để nghỉ ngơi, để trở về với gia đình, cùng nhau quây quần bên mâm cơm ấm cúng. Thế nhưng, Tết với người lao động tự do có hoàn cảnh khó khăn giờ đây là gánh nặng xoay quanh “cơm áo gạo tiền”, có những người sẵn sàng làm xuyên Tết chỉ để đủ ăn hàng ngày.

Tâm sự của những người lao động tự do về những nỗi lo, những gánh nặng trước dịp Tết. Video: Chân Phúc.
KHÁNH LINH
TIN LIÊN QUAN

TPHCM: Không có thu nhập, lao động tự do không dám nghĩ về Tết

Thanh Vũ - Ngọc Lê |

Trải qua quãng thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cộng thêm việc Tết Nhâm Dần đang cận kề, nhiều lao động tự do tại TPHCM đang tranh thủ kiếm thêm thu nhập từng ngày.

Lao động tự do “chấp nhận Tết này bánh chưng không có thịt”

Quế Chi |

Hà Nội - “Tôi chấp nhận Tết này “bánh chưng không có thịt”, còn hơn là kiếm được “bánh chưng có thịt” nhưng lại đánh đổi bằng sức khoẻ của gia đình” - anh Vũ Huấn (37 tuổi), lao động tự do làm nghề xây dựng, tâm sự như trên khi được hỏi về việc làm dịp cuối năm.

Lao động tự do tại TPHCM: Không dám mơ đến Tết, nghĩ đến là bế tắc

NGỌC LÊ - THANH VŨ |

TPHCM - Trải qua quãng thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều người lao động tự do trên địa bàn Thành phố đã mất đi nguồn thu nhập khiến họ cũng không còn tâm trí nghĩ đến Tết.

Danh tính nạn nhân trong cabin xe tải dưới cầu Phong Châu

Tô Công |

Phú Thọ - Cơ quan Công an đã xác định được danh tính nạn nhân được phát hiện trong cabin xe tải gần khu vực cầu Phong Châu bị sập.

Thông báo Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

. |

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 18.9 đến ngày 20.9.2024 tại Thủ đô Hà Nội.

Quan hệ với Tổng Công hội Trung Quốc đặc biệt được coi trọng

Kiều Vũ - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Ngày 20.9, diễn ra Hội đàm giữa Tổng LĐLĐVN và Tổng Công hội Trung Quốc (ACFTU).

Thông xe cao tốc Nội Bài - Lào Cai sau 8 ngày sạt lở

Đinh Đại |

Sự cố về sạt lở đã khiến nút giao cao tốc Nội Bài – Lào Cai (IC18) không thể hoạt động và mất nhiều ngày để khắc phục.

Cựu lãnh đạo SCB khai mẹ và dì cũng là bị hại của mình

Tâm Tú |

TPHCM - Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB - Trương Khánh Hoàng cho biết, bản thân ân hận, xót xa vì có nhiều bị hại trong vụ án, trong đó có mẹ và dì của bị cáo.