Tại hội nghị, các đại biểu là cán bộ công đoàn, CNVCLĐ có nhiều sáng kiến tham gia phong trào Lao động giỏi - Lao động sáng tạo trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai phong trào. Cụ thể, phong trào thi đua chưa thực sự lan tỏa trong CNVCLĐ trên các lĩnh vực bởi công tác tuyên truyền, vận động CNVCLĐ tham gia còn hạn chế.
Một số công đoàn cấp trên cơ sở, công đoàn cơ sở còn lúng túng, còn chậm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch của LĐLĐ thành phố; chưa quan tâm xây dựng nhân tố mới trong phong trào thi đua. Đề tài sáng kiến qua báo cáo từ cơ sở nhiều, song số lượng đăng ký, được xét duyệt chưa nhiều. Công tác hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định chưa được quan tâm còn để chậm trễ, sai sót...
Đại diện người trực tiếp tham gia sáng kiến cho biết, một số thủ tục để đề nghị tặng Bằng Lao động sáng tạo gây khó khăn cho người tham gia như chứng nhận đánh giá hiệu quả kinh tế của đề tài sáng kiến, thẩm định của chuyên gia.... Bởi vậy, nhiều đơn vị, người lao động có đề tài nhưng ngại không muốn chia sẻ hoặc không có thời gian chuẩn bị hồ sơ, thủ tục tham gia...
Báo cáo của Ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ TP.Hải Phòng, LĐLĐ TP.Hải Phòng được Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá là đơn vị đứng đầu cả nước về phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”. Thông qua phong trào thi đua, nhiều cá nhân là người lao động được vinh danh, được phong tặng, khen thưởng các danh hiệu cao quý của Nhà nước và của tổ chức công đoàn.
Năm 2019, 77 cá nhân có các đề tài, giải pháp, sáng kiến được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng bằng Lao động sáng tạo; 90 cá nhân là đoàn viên, công nhân viên chức lao động trực tiếp không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được UBND TP và LĐLĐ thành phố Hải Phòng khen thưởng “Lao động giỏi tiêu biểu” năm 2019.