Không phải giải pháp dài hạn
Anh M.T - bác sĩ bệnh viện thuộc tuyến Trung ương tại Hà Nội cho biết - để đỗ vào trường Y, anh phải đạt gần 30 điểm. Học ngành Y 6 năm ở trường đại học, học tiếp bác sĩ nội trú 3 năm, sau 4 năm ra trường, thu nhập của anh T chỉ ở mức 7 triệu đồng/tháng. Với số tiền lương nhận được, để sống ở thủ đô, nam bác sĩ phải nhờ đến sự hỗ trợ của ông bà nội.
Không chỉ lương thấp, anh T phải chịu cường độ công việc cao khi công tác ở bệnh viện công lập. “Công việc mệt mỏi song tôi cảm thấy lương không trả tương xứng với công sức bỏ ra. Tôi đã quyết định làm việc ở đây thêm vài năm rồi sẽ chuyển sang bệnh viện tư” - anh T nói.
Chia sẻ về việc lương cơ sở được đề xuất tăng lên mức 1,8 triệu đồng, anh T cho hay - lương cơ sở 3 năm qua không tăng song giá cả đã neo ở mức cao hơn hẳn. Theo anh, lương tăng là tín hiệu đáng mừng với công chức, viên chức nhưng không phải giải pháp dài hạn để công chức gắn bó với nghề.
Trao đổi với PV, chị Đ.T - công chức phường thuộc quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ - chị quyết định nghỉ việc hẳn ở môi trường nhà nước, chuyển hướng sang kinh doanh tự do. Hơn 10 năm làm công chức ở phường, chị T chỉ nhận lương hơn 6 triệu đồng/tháng. Công việc Nhà nước tưởng chừng như nhẹ nhàng nhưng theo chị T thì vô cùng áp lực. “Không chỉ có công nhân tăng ca, chúng tôi cũng phải tăng ca thường xuyên song lương không tăng là bao. Lương quá thấp, mệt mỏi, dù có muốn gắn bó tôi cũng thấy nản lòng” - chị T nói.
Chia sẻ về việc lương cơ sở sẽ tăng 1,8 triệu đồng, chị T cho hay, đây là sự động viên to lớn với những người làm công ăn lương, còn với chị, chị đã quyết dừng hẳn công việc hiện tại.
Cần đẩy nhanh tiến độ cải cách tiền lương
Mới đây, Chính phủ đã trình Quốc hội đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,490 triệu đồng lên mức 1,8 triệu đồng và chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27. Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp - cho rằng, để thu hút, giữ chân người có năng lực trong khu vực công, cần đẩy nhanh tiến độ cải cách tiền lương chung cho cả khối hành chính sự nghiệp của nước ta, bởi đây là giải pháp cơ bản và trước hết.
Ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - cho biết, lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng, tiền lương, thu nhập của công chức, viên chức, người lao động sẽ được cải thiện đáng kể. Dẫu vậy, để đáp ứng đời sống của công chức, viên chức cần đạt mục tiêu cải cách tiền lương.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, công chức, viên chức nhận lương thấp sẽ không phản ánh đúng giá trị sức lao động đóng góp cho cơ quan, đơn vị. Hơn nữa, tiền lương thấp không đủ bù đắp cho quá trình tái sản xuất giản đơn, chưa nói đến tái sản xuất mở rộng, chưa bù đắp được quá trình đào tạo của cán bộ, công chức, viên chức để họ toàn tâm, toàn ý vào công việc.
Muốn có kinh phí để cải cách tiền lương thì nhà nước phải chi ra một phần ngân sách đủ cho cải cách tiền lương, điều đó đồng nghĩa với việc phải cắt giảm nguồn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển.
“Điều này rất cần thiết vì đầu tư chi cho tiền lương thực chất cũng là đầu tư cho phát triển theo quan điểm của Đảng ta. Nếu cải cách tiền lương để lương đủ sống thì cán bộ, công chức, viên chức phải làm việc theo đúng giá trị của tiền lương mà họ được trả” - ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.