Mỏ sắt Trại Cau (thuộc Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên) tại thị trấn Trại Cau và xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ được thiết kế, xây dựng khoảng từ năm 1959. Từ ngày 30.4.2020, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên quyết định tạm dừng hoạt động khai thác của mỏ sắt Trại Cau với nhiều lý do như chi phí khai thác cao, một số điểm gây lún nứt nhà dân…
Trong thời điểm tạm dừng khai thác, mỏ đã sắp xếp một bộ phận cán bộ, công nhân để trông nom cơ sở vật chất của mỏ. Một số lao động đến tuổi sẽ cho nghỉ chế độ, một số người được sắp xếp công việc khác phù hợp trong công ty. Trường hợp không sắp xếp được sẽ cho nghỉ việc và căn cứ vào tình hình tài chính của công ty để có chế độ hỗ trợ phù hợp…
Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Phạm Thị Thanh Xuân - Chủ tịch Công đoàn mỏ sắt Trại cau - cho biết, năm 2020 khi chấm dứt hoạt động, mỏ còn 191 lao động. Nhưng do điều kiện khó khăn, nhiều lao động đã xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác khác, hiện còn 51 người, trong đó có đến 27 người làm công tác bảo vệ các điểm mỏ. Trước đây, các bộ phận như sàng tuyển, lái máy, lái xe… nhưng hiện chỉ có 8 người dưới phân xưởng trực tiếp sản xuất thực hiện các công việc điện, nước, sửa chữa luồng bè…
“Mặc dù không tạo ra sản lượng nhưng tiền lương của người lao động Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên vẫn đang được hỗ trợ với mức trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, để ổn định tâm lý người lao động, công đoàn công ty vẫn thăm hỏi động viên người lao động thường xuyên” - bà Xuân cho hay.
Theo anh Nguyễn Đức Nguyên, làm thợ điện tại mỏ sắt Trại Cau 26 năm, hiện 8 anh em công nhân có việc gì làm việc đấy từ phát cỏ, phát cây, sửa chữa thiết bị nhà xưởng… với mức thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng rất khó khăn, nhưng vẫn phải chắt chiu để đảm bảo cuộc sống. Do đó, họ rất mong muốn mỏ trở lại sản xuất, đời sống người lao động được bảo đảm và được làm đúng nghề được đào tạo.
Một công nhân khác là chị Trần Thị Hoa cho biết, trong lúc khó khăn, người lao động cũng luôn chia sẻ với công ty, ngoài những việc làm tại mỏ thì làm đủ thứ nghề. “Ai thuê gì, tôi làm hết, từ sửa chữa điện, sơn sửa nhà cửa… đến đưa đón trẻ” - chị Hoa cho hay.
Liên quan đến việc làm, đời sống của người lao động tại mỏ sắt Trại Cau và mỏ than Phấn Mễ, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Minh Hạnh - Tổng Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên - cho hay, tại mỏ than Phấn Mễ, công ty đang đẩy nhanh việc hoàn thiện các thủ tục trình UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép đầu tư và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cấp phép khai thác mỏ. Mỏ sắt Trại Cau cũng tập trung xây dựng phương án tổ chức khai thác lại các điểm mỏ, phục hồi sản xuất kinh doanh… trước mắt xin phép tận thu để đảm bảo việc làm cho người lao động.
“Công ty luôn cố gắng hết sức đảm bảo đời sống cho người lao động, trong đó đẩy nhanh tiến độ các thủ tục pháp lý để sớm đi vào hoạt động” - ông Hạnh nói.