Giải quyết kịp thời quyền lợi của người lao động
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - báo cáo kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐVN năm 2018, 8 tháng đầu năm 2019, trọng tâm phối hợp công tác năm 2019 - 2020. Theo đó, Tổng LĐLĐVN và các bộ, ngành đã tăng cường phối hợp trong việc tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, trọng tâm là Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật CĐ (sửa đổi), các Đề án của Chính phủ về cải cách chính sách tiền lương, chính sách BHXH. Tổng LĐLĐVN tham gia tích cực và chủ động với vai trò thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia, thống nhất đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 là 5,5%.
Nhân dịp Tháng Công nhân (CN), Thủ tướng Chính phủ đã gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của CNLĐ các khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng tại Hà Nam và CNLĐ kỹ thuật cao tại TP.Hồ Chí Minh… Hưởng ứng các phong trào thi đua do Thủ tướng phát động, 117.096 sáng kiến được ứng dụng trong thực tiễn với tổng giá trị làm lợi là 17.853,2 tỉ đồng...
Theo đồng chí Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, sau buổi làm việc về công tác phối hợp giữa Tổng LĐLĐVN và Chính phủ vào năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã giao 15 nhiệm vụ cho các cơ quan phối hợp xử lý các kiến nghị của Tổng LĐLĐVN. Đến nay, 10 nhiệm vụ đã được thực hiện, 5 nhiệm vụ đang được thực hiện.
Cần ưu tiên quyền lợi NLĐ khi DN bị phá sản
Đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN - nêu vấn đề hiện nay nhiều trường hợp DN bị phá sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của CN... Trong khi đó, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể nên mỗi địa phương có chủ trương giải quyết theo cách khác nhau. Đồng chí Trần Thanh Hải phản ánh, Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện vẫn đang ưu tiên thanh toán nợ cho ngân hàng. Vì vậy, quyền lợi của NLĐ không được đảm bảo, trong khi Luật phá sản đặt quyền lợi của NLĐ lên trên.
Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) - cho hay, sắp tới, Bộ sẽ tăng cường hoạt động giám sát các DN có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các vấn đề liên quan đến môi trường, trách nhiệm đối với NLĐ. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ủng hộ việc sửa đổi Luật Phá sản theo hướng ưu tiên đến việc thanh toán lương và bảo hiểm cho CNLĐ.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cạnh tranh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nếu vướng mắc thì cần báo cáo ra Thường vụ Quốc hội để sửa đổi. Thủ tướng khẳng định, trong giải quyết các vụ DN phá sản, cần ưu tiên cho quyền lợi của NLĐ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ LĐTBXH phối hợp Tổng LĐLĐVN đẩy mạnh thanh tra chuyên ngành về trốn đóng BHXH; rà soát các DN trốn đóng, có chủ bỏ trốn để làm nghiên cứu đánh giá toàn diện, thận trọng; tránh tạo tiền lệ để DN khác vi phạm, ảnh hưởng quyền lợi NLĐ.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận đóng góp của đồng chí Bùi Văn Cường - nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN và tin tưởng, đồng chí Nguyễn Đình Khang cùng các đồng chí Ủy viên Đoàn Chủ tịch sẽ phát huy vai trò lãnh đạo trong hoạt động CĐ cũng như triển khai Chương trình phối hợp giữa Tổng LĐLĐVN và Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả hoạt động của công tác phối hợp của hai bên. Thủ tướng nhấn mạnh, trong công tác này, yêu cầu lớn nhất là bảo vệ tốt hơn nữa quyền lợi chính đáng của NLĐ; Xây dựng giai cấp CN lớn mạnh. Cùng với đó, công tác phối hợp phải chủ động, không để những vụ việc phức tạp xảy ra; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đối với vấn đề sửa đổi Bộ luật LĐ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, Tổng LĐLĐVN, Bộ LĐTBXH phối hợp chặt chẽ hơn nữa để Bộ Luật thông qua phù hợp xu hướng thời đại và thực tiễn Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, hai bên cần tiếp tục tham gia hiệu quả trong xây dựng thể chế, thực hiện phản biện xã hội; nâng cao chất lượng thương lượng ký kết TƯLĐTT, tổ chức đối thoại, dân chủ ở cơ sở. Bên cạnh đó, cần tích cực tham gia đóng góp văn kiện Đại hội Đảng các cấp; tuyên truyền phổ biến các cơ hội, giải pháp, thách thức của NLĐ khi Việt Nam tham gia CPTPP. Các bộ, ngành cần phối hợp với Tổng LĐLĐVN chăm lo tốt hơn quyền lợi NLĐ, nhất là trong dịp Lễ, Tết; đảm bảo chất lượng bữa ăn giữa ca của NLĐ trong KCN, KCX; tiếp tục tổ chức các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, thực hiện thắng lợi mục tiêu chung của đất nước.
Hai bên cần đẩy mạnh cơ chế phối hợp thực hiện giám sát pháp luật, trong đó có giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến NLĐ.
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đồng chí Nguyễn Đình Khang mong trong thời gian tới, Tổng LĐLĐVN nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của Thủ tướng để ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò của mình.
Cần tạo điều kiện cho công nhân khám bệnh BHYT ngoài giờ
Đồng chí Mai Tiến Dũng cho biết, sau buổi làm việc năm 2018, Thủ tướng đã giao Bộ Y tế có giải pháp cụ thể thực hiện chế độ khám, chữa bệnh BHYT ngoài giờ hành chính, ngày lễ, ngày nghỉ cho CN. Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn còn nhiều cơ sở khám chữa bệnh chưa triển khai hoặc triển khai chưa tốt, xuất phát từ các vấn đề bố trí nhân lực, cơ sở vật chất, chế độ thanh toán, thời giờ làm thêm quá thời gian quy định theo đặc thù ngành y tế.
Vì vậy, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Y tế cần bố trí nhân lực, trả tiền làm thêm cho nhân viên y tế làm nhiệm vụ ngoài giờ hành chính, đảm bảo tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh của NLĐ. Đồng chí yêu cầu Bộ Y tế triển khai chủ trương này, báo cáo Thủ tướng.