Nhà trọ không đủ chuẩn là không cho thuê
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh – Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai cho biết: Nhà ở cho NLĐ là vấn đề quan trọng. Do đó, để tạo ra được một sản phẩm nhà ở cho công nhân lao động nghèo với giá hợp lý và có một cơ chế thanh toán phù hợp, dài hạn sẽ tạo nên sự phát triển vững chắc cho người dân.
Theo Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh, để xây dựng được nhà ở công nhân thì câu chuyện quy hoạch đất và bố trí đất phát triển nhà ở xã hội cho người lao động cũng rất quan trọng. “Quan tâm tới nhà ở cho NLĐ nghèo mà không có đất thì sao làm. Đụng chỗ nào cũng là quy hoạch thương mại, nhà ở thương mại thì sao làm nhà ở xã hội” – Bí thư đặt vấn đề.
Quy hoạch phải nằm đều ở các địa phương, các khu công nghiệp gần nơi làm việc của công nhân. Chỗ nào càng đông công nhân có nhu cầu nhà ở xã hội thì càng phải có nhiều dự án nhà ở xã hội. Chủ doanh nghiệp đầu tư ký túc xá cho NLĐ thuê là giải pháp ngắn hạn, còn việc đầu tư xây dựng để công nhân sở hữu nhà ở xã hội lâu dài là giải pháp cần quan tâm - Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết thêm.
Tuy nhiên, trong khi chờ nhà ở xã hội chưa có thì theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, cần cải thiện lại môi trường sống ở khu nhà trọ. "Tôi đề nghị lãnh đạo UBND các huyện, thành phố phải làm quyết liệt, cho kiểm tra từng khu nhà trọ, nêu ra khu nhà trọ này phải sửa cái gì, làm lại cái gì thì sau đó mới được cho thuê" - ông Lĩnh nói.
Theo Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh: Nhà trọ không đủ chuẩn là không cho thuê, như vậy mới cải thiện được chỗ ở cho NLĐ.
Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh còn dẫn chứng: Nếu một khu nhà trọ có 20 phòng cho thuê trọ nhưng lại không có không gian để người lao động chơi thể thao thì chỉ cho thuê 18 phòng, còn bỏ 2 phòng ra để lấy không gian làm chỗ cho NLĐ chơi thể thao, giải trí, sinh hoạt cộng đồng như xem tivi, đánh bóng bàn, trò chuyện…
Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh cũng cho biết sẽ cho các địa phương thời gian 4 tháng để chấn chỉnh lại các khu nhà trọ công nhân. Tháng 5.2022, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ đi kiểm tra bất kỳ khu nhà trọ nào, nếu không đủ chuẩn thì chủ tịch huyện, thành phố nơi đó chịu trách nhiệm với tỉnh, chủ tịch xã phường nơi đó chịu trách nhiệm với tỉnh, vì không chấn chỉnh khu nhà trọ, thiếu trách nhiệm.
Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh cũng đề nghị hình thành Ban quản lý các khu nhà trọ để kết nối với chính quyền địa phương, xây dựng khu nhà trọ theo hướng xanh – sạch – an toàn phòng chống dịch bệnh tốt. Quy chuẩn cụ thể đề nghị Sở Xây dựng triển khai để các huyện đồng loạt làm theo.
Phòng trọ diện tích 12m-14m2 nhưng có 4-6 người ở
Theo LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, hiện nay, do không thể mua nhà ở nên nhiều lao động di cư tại Đồng Nai đang phải chen chúc trong các căn nhà trọ chật hẹp. Đặc biệt sau đợt dịch vừa qua, càng nhận thấy rõ bất cập của nhà trọ nhỏ và đời sống của người lao động không được đảm bảo.
Tại nhiều khu nhà trọ, hàng chục căn nhà trọ san sát, ẩm thấp. Để tiết kiệm diện tích mở rộng thêm phòng trọ, các căn nhà trọ được xây dựng san sát, đối diện nhau với khoảng cách phòng đối nhau chỉ khoảng 1m. Trong khi đó, có nhiều phòng trọ chỉ có diện tích từ 12-14m2 nhưng có tới 4-6 người.
Khi xảy ra dịch COVID-19, người lao động không đi làm việc được, 3 tháng liền phải ở trong nhà trọ chật chội, nguy cơ lây lan dịch rất cao. Thời điểm dịch bệnh bùng phát ở Đồng Nai, công nhân lao động sinh sống trong các nhà trọ nhiễm rất nhiều, thậm chí có những khu trọ hàng trăm người đều bị nhiễm.
Có hơn 50% người lao động được hỏi cho hay, giá trị căn hộ theo khả năng tài chính của họ có thể thanh toán được chỉ dưới 300 triệu đồng. Việc sở hữu một căn nhà, căn hộ đối với họ là vấn đề khá khó khăn, ngay cả đối với những người có thời gian làm việc tại Đồng Nai trên 15 năm cũng có tới trên 60% trả lời rằng họ chỉ có đủ khả năng mua được những căn nhà/căn hộ có giá dưới 300 triệu đồng.