Muốn tuyển dụng thêm cũng khó!
Sáng 3.3, bà Nguyễn Thị Thúy Vân - Chủ tịch CĐCS Công ty Opus One (tỉnh Phú Thọ) cho biết, tại công ty đang có tình trạng nhiều người lao động là F0, tác động đến tình hình sản xuất của công ty.
“Thống kê luỹ kế từ ngày 11.2 đến ngày 3.3, công ty có 137/725 người lao động là F0. Những người là F0 nghỉ 14 ngày theo quy định. Ngoài ra, có 42 người là F1 cũng phải nghỉ làm. Còn trong số những người bị F0 từ 11.2 đến nay, mới có 7-8 người đi làm trở lại” - bà Vân cho biết.
Theo bà Vân, trước thực trạng thiếu hụt lao động, công ty phải dừng 2 tổ có nhiều người lao động phải nghỉ nhất; dồn công nhân chưa bị COVID-19 vào tổ khác để vẫn tiếp tục duy trì sản xuất; tổ chức tăng ca.
Ông Nguyễn Đức Sinh - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp Phú Thọ - cho biết, hiện trong các khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ, 2 công ty may có nhiều người lao động là F0.
“Một công ty có tổng số hơn 4.000 lao động, nhưng hiện nay có hơn 2.000 người bị nhiễm, phải nghỉ làm. Công ty còn lại có 3.000 người, nhưng có khoảng 1.000 người đang phải nghỉ làm do là F0” - ông Sinh thông tin và cho biết, vấn đề thiếu hụt nhân lực tại 2 công ty may này ảnh hưởng đến sản xuất, tiến độ các đơn hàng. Tuy nhiên, 2 công ty trên vẫn không dừng sản xuất mà sắp xếp lại lao động để tiếp tục duy trì hoạt động.
Còn tại Hà Nam, Bà Vũ Thị Minh Phượng - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh - cho biết, có tình trạng doanh nghiệp có nhiều lao động là F0, thiếu lao động, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của.
“Nhiều doanh nghiệp có nhiều lao động bị F0, F1. Có doanh nghiệp 1/4 đến 1/5 lao động bị F0 (1.000 lao động thì có 100 - 200 lao động là F0). Người lao động khi là F1 tiếp xúc trực tiếp với F0, nguy cơ cao cũng phải cách ly. Điều này dẫn đến thiếu lao động nên bắt buộc phải tổ chức tăng ca để đảm bảo đơn hàng” - bà Phượng nói.
Theo bà Phượng, mặc dù thiếu lao động nhưng doanh nghiệp chỉ tuyển dụng thêm ít.
Có doanh nghiệp 30-40% lao động là F0
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội - cho biết, qua nắm bắt, có những doanh nghiệp thuộc hiệp hội có người lao động mắc COVID-19 rất lớn. Một vài doanh nghiệp có đến 30-40% lao động đã trở thành F0. Người lao động mắc COVID-19 tạm thời nghỉ việc, điều trị theo quy định.
Về tình hình sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp phải đảm bảo về sản lượng, tiến độ đơn hàng. Vì vậy, trước tình trạng thiếu hụt lao động mang tính tạm thời này, doanh nghiệp buộc phải xây dựng phương án, sắp xếp lại sản xuất cho phù hợp.
Theo ông Mạc Quốc Anh, người lao động khoẻ mạnh, làm việc bình thường phải tăng ca, làm bù cho người lao động nghỉ việc. Còn lại, nhiều doanh nghiệp cũng có phương án chăm sóc tốt hơn cho người lao động là F0.
“Ước tính có nhiều đơn vị thiếu 10-20% lao động. Đầu năm 2022, nhu cầu đơn hàng của đối tác tăng lên. Các doanh nghiệp cũng cần người lao động tham gia vào sản xuất, đảm bảo sản lượng” - ông Mạc Quốc Anh nói.
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết: Sau Tết Nguyên đán, nhân lực quay lại sản xuất khoảng 90%. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thiếu 10-20% lao động do tình hình người lao động mắc COVID-19 tăng lên. Đây là một thách thức lớn với doanh nghiệp” - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam nói.