Hết làm lại đến… ngủ
Chị Lường Thị Mai Hoa (20 tuổi, quê Lạng Sơn) lên Bắc Giang làm CN được 1 năm nay. Sau khi học cấp III, khó kiếm việc làm ở quê nên chị Hoa đành “theo chân” người chị đã làm CN trước đó lên Bắc Giang. Chị cùng chị gái của mình thuê trọ gần KCN Quang Châu.
Cuộc sống tha hương cứ thế trôi đi bình lặng. Hai chị em thuê một phòng trọ với giá 1,3 triệu đồng/tháng. Thu nhập của chị Hoa được 8 triệu đồng/tháng. Nhưng, để được mức thu nhập như vậy, chị Hoa phải làm ca đêm, tăng ca. Một tháng chị chỉ được nghỉ chủ nhật. Với chị, chủ nhật là ngày tuyệt vời nhất, không phải là để đi chơi, mà là để… ngủ nướng bù lại những ngày trong tuần làm lụng vất vả. Ngủ ban ngày, trái với quy luật sinh học của cơ thể, nên chị không ngủ được sâu, thường xuyên trong tình trạng uể oải, mệt mỏi.
“Ngoài những lúc đi làm, còn lại tôi dành thời gian để ngủ, hoặc lúc nào rảnh rỗi thì xem điện thoại. Đôi khi tôi rủ bạn bè đi uống trà chanh, nói chuyện. Những thú vui giải trí của CN chỉ có vậy thôi” - chị Hoa chia sẻ.
Vừa mới rời ghế nhà trường cấp III đã phải đi làm tha hương nên chị Hoa rất nhớ nhà. Thi thoảng, ngày cuối tuần, hai chị em lại tranh thủ về quê để thăm bố mẹ. Hằng tháng, chị gửi biếu bố mẹ 2 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí, trang trải, hầu như chị không dành dụm được đồng nào, tháng nào hết tháng đó.
Khi được hỏi về ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3 sắp tới, chị Hoa lắc đầu: Với CN như chị, ngày đó không khác gì ngày thường. Chị vẫn sẽ đi làm ca đêm, sáng hôm sau mới trở về, đóng chặt cửa phòng trọ để ngủ bù, lấy lại sức khoẻ. “Có chăng, ngày đó tôi được công ty tặng một chút quà động viên. Với tôi, điều quan trọng là làm việc để kiếm tiền giúp đỡ bố mẹ và dành dụm để chuẩn bị cho cuộc sống sau này của mình” - chị Hoa chia sẻ.
Hạn chế về đời sống tinh thần
Chị Hoa chỉ là một trong số rất nhiều nữ CN đang làm việc trong các KCN tỉnh Bắc Giang. Theo thống kê của LĐLĐ tỉnh Bắc Giang, hiện trên địa bàn các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang có khoảng trên 84.000 nữ CNLĐ (chiếm tỉ lệ 63,3%), chủ yếu tham gia sản xuất trong các ngành may mặc, điện tử.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Phó Trưởng ban Tuyên giáo - Nữ công (LĐLĐ tỉnh Bắc Giang) - những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế xã hội của tỉnh, tình hình đời sống, việc làm của CNLĐ nói chung và nữ CNLĐ nói riêng trong các khu công nghiệp từng bước được ổn định, tuy nhiên về đời sống tinh thần nhìn chung vẫn còn hạn chế.
“Sau những giờ làm việc mệt nhọc, chị em lại vội vàng trở về nhà lo toan cuộc sống gia đình, chăm sóc chồng, con. Thậm chí, tranh thủ thời gian ngủ bù hoặc làm bạn với máy tính, điện thoại... ít tiếp cận các kiến thức văn hóa, xã hội một cách chính thống qua các phương tiện thông tin (sách, báo, đài phát thanh, truyền hình...), ít tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, góp phần tái tạo tinh thần, sức lao động…” - bà Nguyễn Thị Kim Thanh chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc nữ CNLĐ chịu áp lực từ công việc quá nhiều do việc giao khoán sản phẩm nên thời gian làm việc căng thẳng kéo dài; thường xuyên phải tăng ca (có thể do DN yêu cầu hoặc nữ CNLĐ tự nguyện để tăng thu nhập). Vì vậy, sau giờ làm việc, chị em không còn đủ sức khỏe và thời gian để tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, học tập, giao lưu…
Bên cạnh đó, thu nhập của CN còn thấp so với giá cả thị trường (mới chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu thiết yếu của cuộc sống) nên nữ CN luôn phải nghĩ việc tiết kiệm chi phí hoặc làm thêm để tăng thu nhập trang trải cuộc sống mà không muốn mất thêm bất cứ chi phí nào cho những nhu cầu tinh thần khác…
“Thực tế cho thấy, nơi nào có tổ chức Đảng và đoàn thể chính trị - xã hội vững mạnh, chủ DN có trách nhiệm xã hội tốt thì nơi đó đời sống vật chất và tinh thần của CN được đảm bảo ổn định, vai trò tự quản của CN được phát huy, ít xảy ra những vấn đề tiêu cực xã hội. Vì vậy, cần tích cực tham gia công tác xây dựng, phát triển tổ chức cơ sở Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp...” - bà Nguyễn Thị Kim Thanh nói.