Kí ức người thợ mỏ
“Lãnh đạo mỏ chúng tôi cơ bản xuất phát điểm đều từ công nhân đi lên, vì thế rất hiểu và chia sẻ với sự vất vả của anh em”. Phó Bí thư thường trực Đảng ủy công ty than Khe Chàm Nguyễn Quang Tuyến, một trong những người gắn bó từ ngày đầu tiên khi mỏ Khe Chàm tách khỏi công ty than Mông Dương ngày 1.1.1986 bắt đầu câu chuyện cuộc đời thợ mỏ của mình như thế.
Anh Tuyến quê Nam Trực, Nam Định, gia đình làm nông chính hiệu, có nghề phụ đan lát. Năm 1979, một bác cùng quê đang làm ở mỏ than Cọc Sáu xuống nhà chơi, thấy nhà có mấy thanh niên, ông bảo có thích làm than không, mỏ đang rất thiếu công nhân. Hồi ấy anh mới mười tuổi nên chỉ có anh trai và chị gái đăng kí, nhưng hôm anh chị đi, anh cũng theo ra đó chơi.
Hôm đi là một buổi sáng sớm, trời tờ mờ, sương vẫn còn đẫm dưới bàn chân, mấy anh em đi bộ từ Nam Trực lên TP. Nam Định để xếp hàng mua vé tàu thuỷ Liên vận. Chỉ có một chuyến duy nhất lúc một giờ chiều ra bến Vũng Đục, Cẩm Phả, nếu bị trễ, sẽ phải ngủ lại bến để chờ chuyến hôm sau...
Bảy năm sau đó, học xong lớp 10, anh cũng trở thành một người công nhân mỏ ở Khe Chàm, cho đến bây giờ. Những ngày đầu, ở đây khá hoang vu, anh vẫn nhớ như in cảnh đêm một rằm tháng 8, suốt buổi tối trăng cứ vằng vặc soi mấy cái bóng đổ xuống cầu của mấy anh em ngồi ngật ngừ ăn gói kẹo lạc. Đến khuya cũng chỉ có trăng, mấy con người, mấy cái bóng ấy. Lúc đứng lên lục tục đi về, thấy nhớ nhà kinh khủng.
Các đồ đạc sinh hoạt, bàn thì đi lên rừng nhặt những bẹ gỗ họ xẻ vứt lại tận dụng mang về ghép vào rồi đóng hai cái niễng 2 bên, vậy là thành bộ bàn ghế. Hòm thuốc mìn xin về đựng gạo, quần áo. Hết giờ làm việc, xì xụp nấu nướng với nhau. Tiếp khách thường là ít lạc rang muối nhâm nhi với cút rượu. Hàng tháng có tem phiếu, quần áo được phát, đi làm xong, cuộn vào ba lô, về tự giặt, phơi sấy nên nhiều khi chưa khô đã phải mặc. Đồ bảo hộ cồng kềnh và nặng, để nhẹ bớt cho xếp vừa vào balo, ủng được cắt ngắn từ sát đầu gối chỉ còn ngang bên trên cổ chân.
“Có một đặc điểm thợ lò thế hệ tôi, ai cũng có. Đó là vết sẹo ở thắt lưng”. Anh cười vạch cho tôi xem vết lõm ở thắt lưng vẫn còn sẹo mờ. Nó do axit từ ắc quy đèn - nặng đến 3kg - ngấm ra. Còn nước nóng, vì đun từ nồi hơi và bơm trực tiếp ở dưới suối lên nên có những hôm mưa, bùn đất trôi xuống chỗ giếng lấy nước, tắm về tự nhiên thấy giống như có một lớp màng bọc thêm ở ngoài da, miết tay ra cả mảng, thế là phải xuống suối tắm lại, dù lạnh cứng họng chứ không, không thể chịu được.
“Đấy là ngày xưa, chứ bây giờ ắc quy khô, lại nhỏ, gọn, nhẹ, có thể bỏ gọn trong túi. Nước sạch nóng vừa đủ, dây chuyền sản xuất hiện đại rồi...”
Thế thu nhập hồi ấy như thế nào? Nhà văn trẻ Đinh Phương tò mò. “Hồi ấy tháng lương cao nhất là 158.000 đồng, tương đương với chiếc xe đạp Thống Nhất, còn thường thường chỉ được bảy mấy ngàn - anh trả lời. Có những tháng nhận lương bằng xe đạp. Thậm chí quãng năm 89, 90, mới mở cửa khẩu trở lại với Trung Quốc, còn nhận lương bằng… bia Liquan! Rồi nhận lương bằng sắt thép, xi măng… để làm nhà. Cái này ai có nhu cầu thì đăng kí chứ không bắt buộc...”
Nguyễn Quang Tuyến lấy vợ năm 1989, kiểu như cách nói của những người thợ lò là “đời gặp vỉa”. Khe Chàm hồi đó hoang vu, suốt đoạn dài chỉ có một cái quán, rắn rết rất nhiều, quanh đi quanh lại chỉ có mấy anh em. Chuyện trò quanh quẩn cũng chỉ có “thìu với đoản” (hai dụng cụ để chống lò), chẳng quen biết một ai chứ nói gì đến có các cô gái mà đi tán với tỉnh. Ở Khe Chàm được tám tháng, ông anh trai làm bên Cọc Sáu đi Liên Xô. Vì có nhà riêng không có người ở nên bảo anh sang. Và… anh phát hiện “vỉa cuộc đời mình” nhà ở gần đó, nên quen rồi nên duyên…
Rồi anh cười, nụ cười ấm áp, lấp lánh như những viên than kíp lê.
Nghĩa tình người thợ lò
Chia sẻ về tình cảm người thợ lò, Nguyễn Quang Tuyến bảo, với họ, có thể bên ngoài inh ỏi tranh luận với nhau, nhưng khi bước qua vòm vào trong hầm, là như anh em một nhà. Nó hệt bài hát “Năm anh trên một chiếc xe tăng”, khác, thay vì “lên xe” thì ở đây là “vào hầm”.
Cũng như vậy, những người thợ lò không cùng quê nhưng khi vào đó, trái tim họ cũng cùng nhịp đập. Ở giữa nơi âm u sâu tít giữa lòng đất, giữa những vỉa than im lặng, cảm thức về cố kết, đồng lòng, luôn trỗi dậy, dần trở thành thường trực trong lòng mỗi người thợ. Họ sẵn sàng giúp đỡ nhau với tinh thần cao nhất, có những phần việc không phải của mình nhưng khi thấy đồng đội cần giúp đỡ là anh em nhảy vào làm luôn, không nề hà. Mỗi khi vào hầm lò, giống như thần Ăng tê trong thần thoại Hy Lạp lấy sức mạnh từ đất mẹ, thấy mình mạnh mẽ hẳn lên. Nhiều hôm trong lò không có bất cứ cảm xúc gì, nhưng ra khỏi, về đến nhà là nằm vật ra, thấy mệt nhọc vô cùng.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh chính là lần vì bất cẩn nên than tụt xuống bít hai đầu, may mắn lò không bị sập. Anh vẫn nhớ, hôm ấy là ngày 23.11.1988, anh vào lò chợ được chống bằng gỗ. Hôm ấy, đáng lẽ phải đưa văng mới vào chống thật chắc chắn sau đó mới dỡ cái cũ ra, thì để cho nhanh, anh lại giật luôn chiếc văng cũ. Bất thần, than ở vỉa ầm ầm tụt xuống. Dòng thác than cuốn anh đi, không còn cách nào khác, anh nghiêng người tạo một khoảng không nho nhỏ để thở, hai tay khỏa liên tục ngoi ngược lên để không bị than vùi xuống…
Ngày xưa chỉ dùng máng cào sau đó chạy đổ vào goòng chứ không phải hoàn tự động hóa chạy bằng băng chuyền tải như bây giờ. Hôm ấy, anh đang đứng sau goòng than thì bị sập nên anh em bên ngoài hoàn toàn phải dùng bằng tay cứ thế bới than để vào chỗ anh (không thể dùng cào vì sợ bổ vào anh đang bị vùi trong đó). Đến nơi, mọi người chỉ thấy mỗi chiếc búa, xẻng của anh ở chỗ goòng than mà không thấy người đâu. Anh trực ca là người dẫn đội cứu hộ vào bỗng òa khóc nháo nhác đi tìm mà không biết rằng, lúc bơi lên, may mắn anh dạt vào được gần lỗ thông gió gần đó nên vọt lên được, sau đó, bò ngang và tụt từ ngoài xuống rồi đi vào gặp mọi người. Thấy anh, cảm xúc của mọi người vỡ oà, ngỡ ngàng không tin ở mắt mình giống như anh vừa dưới âm phủ chui lên. Rồi người đấm, người đá, người bẹo tai, giật tóc, người hôn… nói trong nước mắt “tao cứ tưởng mày xong rồi”.
Thế lúc ngước lên phát hiện than đổ xuống cảm giác nó thế nào? Tôi tò mò. Nó giống như một cót thóc lớn ở trên đầu bị bục ra đổ vào mình bên dưới. Sau lần đó, anh được các anh đi trước chia sẻ kinh nghiệm, trong bất cứ tình huống nào, thế đứng là quan trọng nhất, để khi tình huống xảy ra, mình chiếm được không gian, vị trí thuận lợi nhất thoát thân.
Thế còn câu chuyện của các anh ở mỏ Mông Dương - Nhà văn Vũ Thảo Ngọc - một người có thể coi là “người nhà” của TKV khi chị đã có nhiều năm làm ở bộ phận truyền thông đã lấy cảm hứng từ câu chuyện này đưa vào cuốn tiểu thuyết sắp hoàn thành của mình về công nhân mỏ, tham gia câu chuyện.
Thì cũng là một trường hợp bị sập lò, bên ngoài nghe tiếng dụng cụ gõ vào thành máng cào vọng ra, biết anh em đang mắc kẹt trong đó nên cào than vào cứu. Trong lò bao giờ cũng có đường ống khí phục vụ khoan lỗ mìn, anh em khi ấy phải chặt ống khí ấy để nó xì ra mà thở và chờ đợi. Để tiết kiệm oxy, họ chỉ dùng một chiếc đèn lò thắp sáng. Lúc đó, mọi người đều xác định có thể sẽ không thể trở về với gia đình. Tình huống tuyệt vọng đến mức, có người còn ngồi ghi thư cho gia đình dặn dò nếu chẳng may mình không thể trở về… (khi vào lò anh em thường có giấy bút để ghi chép những tình tiết, biến chuyển trong ca để bàn giao cho ca sau). May mắn sau một thời gian mọi người đã khơi than thành công để đưa mọi người ra ngoài an toàn.
Nói về sự tiềm ẩn rủi ro của những người thợ lò, anh bảo, không phủ nhận điều ấy, nhưng nếu như tuân thủ tất cả những quy trình an toàn trong quá trình khai thác thì những nguy cơ đó sẽ vô cùng thấp.
Những cái riêng của thợ mỏ
Hôm đầu tiên khi đến với mỏ than Khe Chàm, lúc ngồi cùng mấy anh em trong công ty, tôi có đặt một câu hỏi, câu gì đời thường hay nói với nhau mà chỉ riêng những người thợ mỏ mới có? Ngẫm nghĩ một hồi, anh Tính - trưởng phòng an toàn của công ty vỗ đùi đánh đét rồi hào hứng: Chắc bắp câu này: “Đời gặp vỉa! và Đời không gặp vỉa!” Rồi anh giải thích. Anh cứ nhìn những người thợ ở trong lò ra, nếu trông người lấm lem than đầy mặt mũi và quần áo, đừng nghĩ rằng hôm ấy anh ta công việc hanh thông, sản lượng cao nhé! Lem nhem là bởi bị trục trặc trong quá trình khai thác, có thể do dụng cụ hoặc do lò nên năng suất chắc chắn kém xa so với bình thường, đấy là “đời không gặp vỉa”. Chính những anh trông sạch sẽ mới là công việc hành thông, vỉa ra than ào ào, và đó là “đời gặp vỉa!”. Vỉa ở đây, giống như may mắn như ở ngoài đời thường ấy. Câu ví von vô cùng thú vị ấy, quả là tôi chưa nghe thấy bao giờ nên cảm thấy hết sức thú vị.
Đến hôm từ dưới hầm lò lên, lúc cùng mấy anh lãnh đạo đi về nhà tắm của công ty, tôi lại ngỡ ngàng khi được chứng kiến một nét riêng nữa của những người thợ mỏ, đó là… tắm tiên! Tất nhiên là toàn đàn ông với nhau. Đi qua các nhà tắm, hầu như cửa chỉ khép nửa hoặc không khép, là những “Chử Đồng Tử ở bãi tự nhiên”. Lẫn trong tiếng nước xối ào ào là những câu chuyện rôm rả của họ. Thấy tôi có vẻ ngỡ ngàng, anh Tuyến cười khà khà: “Tắm tiên cũng là một thứ “văn hoá” của thợ mỏ đấy! Trong lò ra khi vào nhà tắm thì “muôn người như một” bộ quần áo thợ lò được thay ra để đưa về bộ phận giặt. Sau đó họ sẽ phân loại để đặt vào các tủ đồ để trước khi vào lò họ sẽ mặc vào. Ra khỏi nhà tắm công ty để về nhà nghỉ, ai cũng sạch sẽ tinh tươm hết!”.
Và đến lượt tôi, cũng cảm thấy hết sức thoải mái khi bước vào nhà tắm chung cùng mấy anh lãnh đạo công ty và thực hiện cái “muôn người như một” ấy.
Còn một thứ nữa gắn với họ là những con số. Mỗi người đều có một số hiệu riêng gắn với cuộc đời thợ mỏ của mình. Nhìn số hiệu có thể biết người đó gắn bó với nghề được bao nhiêu năm rồi. Số hiệu cũng là cách để chị em ở bộ phận giặt sấy phân loại rồi đặt đúng vào tủ đồ của mỗi người.
Bộ phận giặt sấy cũng khá đặc biệt. Trong tiếng rào rào phát ra từ chiếc máy giặt khổng lồ, mùi nước giặt quyệt mùi mồ hôi, bụi bặm nhức mũi. Các chị Quách Thị Phương, Đàm Thị Thủy cho biết, bộ phận giặt toàn bộ là phụ nữ, nhìn vào ai cũng nghĩ đơn giản nhưng lại không đơn giản chút nào. Một ngày phải giặt hàng ngàn bộ quần áo, ủng. Nhưng cái đó không khó và vất vả bằng công đoạn phân loại. Có bảy chị em hàng ngày phải xử lí hàng ngàn bộ quần áo bảo hộ. Mỗi bộ quần áo, giày đều có số hiệu riêng, làm thế nào để giặt sấy xong, quần, áo, giày số hiệu phải chuẩn với nhau và đưa về đúng số hiệu đó ở tủ đựng trong thời gian ngắn nhất chính xác nhất? Thời gian đầu vào làm, các chị phải mất cả tháng để học thuộc tất cả các số hiệu. Thuộc rồi lại phải làm quen để nhớ vị trí số hiệu ở tủ đựng, vì có hàng ngàn tủ riêng, không nhớ, công đi tìm cũng đã hết ngày.
Những ngày thực tế ở mỏ than Khe Chàm kết thúc. Chia tay Khe Chàm, đoàn chúng tôi trở về Hà Nội với những lấp lánh như than kíp lê dưới ánh nắng mặt trời in đậm trong tâm hồn về sự hồn hậu, nồng nhiệt nhưng cũng đầy trách nhiệm của những người thợ lò trong khai thác tài nguyên của đất nước từ lòng đất.