Có nhà, cực đến mấy cũng chịu
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thuyết (quê Quảng Trị) vào TPHCM làm việc hơn 10 năm, hiện sống tại một khu trọ tuềnh toàng, giá thuê 1,4 triệu đồng/tháng, gần Khu chế xuất Linh Trung 2 (TP.Thủ Đức). Thu nhập của vợ chồng chị Thuyết khoảng 15 triệu đồng/tháng, tằn tiện lắm mới lo được cuộc sống và tiền ăn học cho con nhỏ. Ước mơ lớn nhất của hai vợ chồng là mong gom góp được tiền mua nhà, thoát khỏi “đời ở trọ”, ổn định cuộc sống.
Không riêng vợ chồng chị Thuyết, với những công nhân mưu sinh xa xứ, khao khát lớn nhất chính là có căn nhà của mình, dù làm việc cực khổ đến mấy cũng vui vẻ chấp nhận. Tuy nhiên, giấc mơ đó thật sự xa vời khi giá nhà đất ngày càng tăng, nguồn cung nhà ở giá thấp cho người lao động thì tìm đỏ mắt cũng chẳng thấy.
Tại TPHCM, dù đã và đang thực hiện 34 dự án xây dựng nhà lưu trú cho CN với hơn 5.500 phòng, nhưng cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu. Theo báo cáo mới đây của Sở Xây dựng TPHCM, từ cuối năm 2019 đến nay, địa bàn đang triển khai 15 dự án nhà lưu trú cho CN, tương đương 47ha.
Quỹ đất này có được là nhờ các doanh nghiệp đã nỗ lực tự tạo quỹ đất riêng cho mình. Trong 15 dự án này, có đến 6 dự án đang trong giai đoạn bồi thường và giải phóng mặt bằng - vấn đề cực kỳ khó khăn với các doanh nghiệp. Các dự án còn lại vẫn đang thực hiện các thủ tục để đầu tư.
Trong khi đó, hiện đang tồn tại thực trạng đáng buồn tại nhiều khu công nghiệp: Không bố trí đất xây nhà cho công nhân, thậm chí còn cắt đất xây dựng nhà xưởng cho thuê. Có những khu công nghiệp có quy hoạch đất làm nhà cho công nhân hay nhà ở cho chuyên gia, nhưng chỉ sau một thời gian đã “hô biến” thành các dự án bất động sản thương mại hoặc phân lô bán nền. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp đầu tư khu công nghiệp chỉ đơn thuần là san lấp mặt bằng và chờ nhà đầu tư tới đầu tư, chưa quan tâm đúng mức vấn đề phát triển nhà ở, ổn định an sinh xã hội cho công nhân.
Cơ chế có hơn 10 năm, doanh nghiệp vẫn gặp khó
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - cho biết, cơ chế về việc triển khai xây dựng nhà ở cho công nhân tại các KCN đã có từ hơn 10 năm trước. Đó là thời điểm năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg về việc tạo điều kiện ưu đãi và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư nhà ở cho công nhân, cho lao động thuê tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế theo phương thức xã hội hóa.
Năm 2015, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội - đây là khung pháp lý quan trọng cho phát triển nhà ở xã hội phục vụ cho đối tượng có thu nhập thấp trong đó có công nhân tại các KCN. Mới đây, ngày 1.4.2021, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 49/2021/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2015/NÐ-CP về việc phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Trong đó có nội dung đáng chú ý là khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phải xác định rõ diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà ở xã hội, thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại KCN đó.
Nhưng, để triển khai chương trình nhà ở cho công nhân thì phải thực hiện huy động từ nhiều nguồn đầu tư khác nhau: Nhà đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng của KCX-KCN, doanh nghiệp sản xuất trong KCX-KCN và các thành phần kinh tế khác cũng như các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư vào loại hình này… “Bên cạnh câu chuyện tạo lập quỹ đất, rào cản thủ tục vẫn luôn là một chướng ngại lớn. Thời gian qua, nhiều quy định liên quan tới phát triển khu công nghiệp đã được đổi mới và luật hoá, nhưng chính sách xây dựng nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp vẫn chưa có tiến triển, thủ tục và quy trình xây dựng còn rất nhiêu khê do bị chi phối bởi pháp luật liên quan về nhà ở” - ông Châu cho biết.
Nhiều lãnh đạo của các doanh nghiệp đầu tư bất động sản cũng bày tỏ, doanh nghiệp rất tâm huyết, nhưng khi bắt tay vào thực hiện các dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân thì gặp muôn vàn khó khăn. Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Lê Thành, nêu thực tế, với thời gian triển khai và nguồn vốn như nhau, các doanh nghiệp đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại nhiều thuận lợi hơn và nhanh thu hồi vốn hơn so với dự án nhà ở xã hội hay nhà ở giá rẻ dành cho công nhân. Cũng có nhiều doanh nghiệp tâm huyết xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động nhưng khi triển khai thì vướng đủ thứ, trong đó thủ tục quá rườm rà khiến thời gian từ khi xin giấy phép xây dựng đến khi triển khai mất đến 3 năm. Do đó, việc doanh nghiệp không mấy mặn mà với nhà ở xã hội là điều dễ hiểu.
Ông Nguyễn Trần Hải - Giám đốc Trường Phát Group - cho biết, sau khi nghiên cứu mô hình nhà ở dành cho công nhân ở Bình Dương, công ty của ông cũng mong muốn dự định đầu tư 10.000 căn nhà tại các KCN ở TPHCM và Long An. Nhưng mới chỉ được 800 căn ở Long An thì sắp chịu hết nổi vì… thủ tục quá rườm rà, nhiêu khê. “Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ nhiệt tình. Đặc biệt, khi đầu tư vào nhà ở xã hội, chúng tôi muốn đơn giản hoá chính sách cho người mua, chỉ cần áp dụng 3 tiêu chí: người lao động đang làm việc tại địa phương với hợp đồng lao động trên 2 năm, có đóng bảo hiểm xã hội và chưa có nhà ở. Vì lợi nhuận đầu tư không cao mà đối tượng bán lại là người có thu nhập thấp, nếu quy định lại nhiêu khê trong việc duyệt bán nhà thì rất khó cho doanh nghiệp” - ông Hải nêu quan điểm.