Tạo mọi điều kiện để đoàn viên, NLĐ hoàn thành nhiệm vụ của cử tri
Tháng 5.2021 là tháng rất đặc biệt. Như mọi năm trong Tháng Công nhân tổ chức CĐ có rất nhiều các hoạt động hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ và được các cấp, các ngành quan tâm. Nhưng năm nay còn có 1 nhiệm vụ rất quan trọng là bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, trong lúc dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường.
Anh Ngô Đắc Thanh đang làm việc tại Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội) cho biết, đây là lần thứ 5 được đi bầu cử, thực hiện nghĩa vụ của một công dân. Nhưng lần tham gia bầu cử này rất khác vì những CNLĐ như anh vừa phải phòng chống dịch, vừa hoàn thành công việc tại doanh nghiệp, vừa thực hiện những phần việc liên quan đến công tác bầu cử vào ngày 23.5.
Anh Thanh cho biết, ở Công ty, Đảng bộ và CĐ tuyên truyền về cuộc bầu cử, về cách thức đi bỏ phiếu. Những nội dung này được tuyên truyền cùng với nội dung phòng, chống dịch bệnh. Qua đó, anh Thanh đã nghiên cứu kỹ danh sách các ứng viên để lựa chọn ra đại biểu mà anh tin rằng sẽ thay mặt nói lên tâm tư, nguyện vọng của CNLĐ tại Quốc hội, góp phần xây dựng chính sách và bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Anh Thanh kể, không chỉ được tuyên truyền ở Công ty, mà tại nơi ở, thay vì phát thanh trên loa mỗi buổi sáng thì địa phương tổ chức xe lưu động tuyên truyền cả 2 nội dung trên.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Đức Nhân - Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Điện tử ASTI (Khu công nghiệp Quang Minh), đơn vị có 1.200 CNLĐ - khẳng định, công ty rất quan tâm đến cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp vào ngày 23.5 tới đây. Khi nhận được công văn hướng dẫn đăng ký bầu cử của thị trấn Quang Minh, phòng Hành chính công ty đã gửi email thông báo cho các tổ để truyền đạt đến NLĐ.
CĐ và chi bộ Đảng cũng tuyên truyền cho CNLĐ hiểu rõ về quyền lợi và trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân. Công đoàn tốt chức tuyên truyền bằng hình ảnh dán trên bảng tin để CNLĐ được biết. Trong số cán bộ công nhân viên của công ty, ai ở gần sẽ về nhà đi bầu cử tại địa phương; số ở xa sẽ bầu cử tại nơi cư trú ở thị trấn Quang Minh. Phía công ty tạo điều kiện hết sức để cán bộ công nhân viên được đi bỏ phiếu thuận lợi nhất. Ngày bầu cử, công ty sẽ nghỉ, không làm việc để CNLĐ yên tâm đi bỏ phiếu.
Thực hiện chỉ đạo của Thành uỷ, Ban bầu cử thành phố, CĐ Thủ đô đã xây dựng kế hoạch, quán triệt và triển khai đến các cấp CĐ và CNLĐ Thủ đô, nhất là tuyên truyền để CNLĐ thấy đúng và đủ trách nhiệm của công dân, của đoàn viên, của CNLĐ, của cử tri trong tham gia bầu cử.
LĐLĐ thành phố cũng yêu cầu các cấp CĐ tuyên truyền, tạo điều kiện để đoàn viên, CNLĐ nghiên cứu kỹ tiểu sử của các ứng cử viên để lựa chọn sáng suốt những người đủ đức, đủ tài tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Việc này được thực hiện với tinh thần 100% đoàn viên, CNLĐ tham gia bầu cử với tỉ lệ cao nhất và đúng thời gian. Thông qua đó góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Với những ứng cử viên là cán bộ CĐ sẽ còn mang tiếng nói của tổ chức CĐ Thủ đô đến với Quốc hội, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Đây là trách nhiệm và là vinh dự của CĐ Thủ đô.
Tạo cao trào “chống dịch như chống giặc” từ Tổ an toàn COVID-19
Trao đổi với Báo Lao Động ngày 16.5, ông Nguyễn Phi Thường - đại biểu Quốc hội khoá XIV, Uỷ viên Ban chấp hành Tổng LĐLĐVN, Thành uỷ viên, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội - cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của thành phố, tổ chức CĐ Thủ đô đã triển khai, thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo an phát triển kinh tế. Đây là trách nhiệm của các cấp CĐ Thủ đô sẽ cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô thực hiện tốt nhiệm vụ kép và nhất là tham gia để ngày bầu cử diễn ra thành công, an toàn.
Với trách nhiệm của mình, tổ chức CĐ Thủ đô đã thành lập và kiện toàn lại Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của CĐ Thủ đô. Trong đó 5 phó chủ tịch LĐLĐ thành phố là 5 tổ trưởng để trực tiếp chỉ đạo 30 LĐLĐ quận, huyện và CĐ ngành, CĐ cấp trên tiếp cơ sở trong công tác phòng chống dịch bệnh cũng như những vấn đề liên quan đến công tác bầu cử”.
Bên cạnh đó, LĐLĐ Thành phố Hà Nội đã xây dựng kịch bản gồm các cấp độ, mức độ cho các tình huống có CNLĐ tại doanh nghiệp mắc COVID-19 thì xử lý như thế nào; nếu cán bộ công chức của cơ quan LĐLĐ Thành phố mắc COVID-19 thì xử lý ra sao. Kịch bản này đã được triển khai tới tất cả cán bộ đoàn viên và CNVCLĐ Thủ đô.
“Trong đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến CĐ các khu công nghiệp - chế xuất vì hiện Hà Nội có 9 khu công nghiệp, khu chế xuất với khoảng 160.000 NLĐ, trong đó trên 130.000 là đoàn viên CĐ. Theo báo cáo, đến thời điểm hiện nay đã có 5 CNLĐ mắc COVID-19. Tuy nhiên đã được khoanh vùng và đảm bảo an toàn, phân loại F1, F2, F3, F4 để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Song trước tình hình cấp bách, nhất là khi số người mắc COVID-19 hai ngày gần đây tăng mạnh tại một số địa phương, Chính phủ và Thành uỷ Hà Nội đã yêu cầu các tổ chức Chính trị phải vào cuộc mạnh mẽ hơn và không có ngày nghỉ” - ông Thường nhấn mạnh.
“Chúng tôi cũng chỉ đạo thành lập Tổ An toàn COVID-19 trong các doanh nghiệp với tinh thần mỗi tổ, mỗi nhóm, mỗi chuyền trong doanh nghiệp sẽ có 1 Tổ An toàn COVID-19 tối thiểu từ 3 người trở lên. Ưu tiên lựa chọn tổ trưởng tổ CĐ làm tổ trưởng, thành viên là an toàn vệ sinh viên lao động tại các doanh nghiệp. Quyết định thành lập Tổ An toàn COVID-19 do giám đốc doanh nghiệp quyết định còn thành viên nòng cốt là tổ trưởng, tổ phó CĐ, an toàn vệ sinh viên, đoàn viên CĐ tích cực, có am hiểu về công tác phòng, chống COVID-19. Với trên 5.000 CĐCS trong khối doanh nghiệp, phấn đấu đến ngày 17.5 sẽ thành lập đủ Tổ An toàn COVID-19. Chúng tôi quyết tâm chỉ đạo để Tổ An toàn COVID-19 đi vào hoạt động sẽ trở thành nòng cốt và tạo cao trào cho phòng, chống dịch COVID-19 trong CNLĐ các doanh nghiệp với sự vào cuộc quyết liệt, khẩn trương của bản thân mỗi NLĐ, mỗi cán bộ CĐ”- ông Thường cho hay.
LĐLĐ thành phố yêu cầu CĐ các cấp tiếp tục quan tâm, thăm hỏi động viên đoàn viên, NLĐ; trong đó đặc biệt quan tâm tới đoàn viên, NLĐ ở tuyến đầu chống dịch. LĐLĐ thành phố đã tổ chức đoàn đi thăm, tặng quà, động viên cán bộ, đoàn viên, NLĐ ở các trung tâm y tế, các bệnh viện trực tiếp thực hiện phòng chống dịch tại 30 quận, huyện trên địa bàn thành phố; thăm hỏi động viên những đoàn viên khó khăn, những đoàn viên ở các doanh nghiệp có ca mắc COVID-19 phải tạm dừng sản xuất, không có đơn hàng để sản xuất. Thông qua đó để họ hiểu rõ hơn về vai trò của tổ chức CĐ trong chăm lo cho NLĐ...
Ngày 16.5, ông Nguyễn Phi Thường - Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội - đã ký Quyết định thành lập Tổ cán bộ LĐLĐ Thành phố Hà Nội hỗ trợ CĐ Các khu công nghiệp - chế xuất Hà Nội trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và ổn định tình hình quan hệ lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội. Cùng với nhiệm vụ nói trên, các thành viên của Tổ còn có nhiệm vụ phục vụ tổ chức an toàn, thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Các thành viên của Tổ làm việc thường xuyên tại CĐ Các khu công nghiệp - chế xuất Hà Nội từ ngày 16 đến hết ngày 23.5.2021.