Tham luận tại Hội thảo, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn cho rằng, trải qua gần một thế kỷ, giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt đi đầu cùng với nhân dân cả nước viết nên trang sử vẻ vang, truyền thống hào hùng của dân tộc, xứng đáng là giai cấp tiên phong, lãnh đạo trong mỗi thời kỳ cách mạng.
Trong thời kỳ đổi mới, tổ chức Công đoàn không ngừng lớn mạnh, tiếp tục phát huy vai trò là người đại diện tin cậy của người lao động, là chỗ dựa vững chắc của Đảng và là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với người lao động, cùng với toàn dân tộc khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng vững mạnh.
Để xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn cho rằng, thời gian tới, tổ chức Công đoàn cần tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động công nhân; tạo động lực cho công nhân phát huy đầy đủ vai trò nòng cốt của khối liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; đổi mới hình thức tổ chức và phương thức hoạt động của Công đoàn để nâng cao sức hấp dẫn đoàn kết, vận động, tập hợp công nhân, mở rộng đối tượng lao động thuộc mọi thành phần kinh tế, cả khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức...
“Người lao động vì nhu cầu cuộc sống nên họ quyết định bán sức lao động cho người thuê họ - các chủ doanh nghiệp” - đồng chí Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn Tổng LĐLĐVN phát biểu tại hội thảo.
Đồng chí Vũ Quang Thọ cho rằng, người sử dụng sức lao động chỉ được quyền khai thác, sử dụng sức lao động (bao gồm lao động trí óc, lao động chân tay, các kỹ năng, kỹ xảo) theo tính toán, mục tiêu lợi ích của chủ sử dụng lao động trong khoảng thời gian mà hợp đồng lao động đã xác định.
Có nghĩa là, người sử dụng lao động không được coi người lao động như một nô lệ như thời kỳ xã hội nô lệ. Nỗ lực hàng trăm năm của giai cấp tư sản là tiến hành cuộc đấu tranh, đập tan xiềng xích mà chủ nô quàng chặt vào người lao động, giải phóng người lao động, làm cho người lao động trở thành người tự do được quyền sống, mưu cầu hạnh phúc, được bán sức lao động, được làm việc và nghỉ ngơi.
Cũng tức là, người lao động được làm người theo đúng ý nghĩa, không bị nô dịch, không bị coi như đồ vật. Các chủ sử dụng sức lao động phải thừa nhận và tôn trọng nhân phẩm của họ, coi người lao động bình đẳng như mọi giai tầng khác trong xã hội.
“Trong nền kinh tế thị trường, người lao động và người sử dụng lao động ràng buộc với nhau bởi hợp đồng lao động. Trong hợp đồng lao động, cả hai bên, bên cung ứng và bên thuê sức lao động đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau. Nhưng trong xã hội còn giai cấp, còn quan hệ mua - bán sức lao động, người lao động luôn ở thế yếu. Mặc dù chiếm số đông, nhưng họ hầu như không có tư liệu sản xuất, phải bán sức lao động để duy trì cuộc sống. Quy luật sinh tồn làm cho họ phải gắn bó, cố kết lại với nhau một cách tự nguyện thông qua tổ chức của mình - tổ chức Công đoàn.
Vì vậy, Công đoàn là tổ chức của người lao động, có trách nhiệm bênh vực lợi quyền cho những người lập ra tổ chức Công đoàn, đồng thời đại diện cho số đông người lao động, đàm phán, thương lượng với chủ sử dụng lao động, trước hết là các điều khoản của hợp đồng lao động: làm việc và nhận lương. Vì vậy, có thể nói tiền lương là kết quả của đàm phán, thương lượng giữa người lao động mà đại diện đương nhiên của nó là tổ chức Công đoàn” - đồng chí Vũ Quang Thọ nhấn mạnh.