Nhiệm vụ hết sức khó khăn của Công đoàn
Trong 9 tháng đầu năm 2020, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP.Đà Nẵng đã đối mặt với 2 đợt dịch COVID-19, trong đó ảnh hưởng nặng nề nhất là đợt 2 diễn ra trong 2 tháng 7-8.2020 khi Đà Nẵng là tâm dịch của cả nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn thành phố có 2.446 doanh nghiệp (DN), đơn vị bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là các DN trong khối dịch vụ, du lịch với 154.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm và thu nhập. Rồi toàn thành phố có 65 đoàn viên Công đoàn (CĐ) mắc COVID-19; 1.425 NLĐ bị cách ly tập trung; 1.364 NLĐ bị cách ly tại nhà...
“Bối cảnh trên đã đặt ra cho các cấp CĐ một nhiệm vụ hết sức khó khăn đó là phải đối thoại với người sử dụng lao động (NSDLĐ) nhằm chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh song song với các chế độ, chính sách của CĐ hỗ trợ cho NLĐ” - ông Nguyễn Duy Minh - Chủ tịch LĐLĐ TP.Đà Nẵng nói.
Theo ông Nguyễn Duy Minh, công tác đối thoại tại các DN đã có tác động trực tiếp đến tình hình quan hệ lao động tại các DN trong thời kỳ khó khăn do dịch bệnh. Đặc biệt, công tác đối thoại định kỳ, đột xuất trong 9 tháng đầu năm 2020 cũng được LĐLĐ TP.Đà Nẵng tích cực triển khai.
Trong 9 tháng đầu năm, đã có 425 lượt DN tổ chức 684 cuộc đối thoại cho hơn 30.000 LĐ. Nội dung đối thoại về tiêu chuẩn của DN, đơn vị khi đề nghị hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ. Đề nghị DN và vận động, tuyên truyền NLĐ thực hiện tốt các quy định phòng chống dịch; về việc làm và tiền lương của NLĐ trong thời gian dịch bệnh; về việc lựa chọn đối tượng NLĐ ở lại làm việc và phải tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ không lương, chấm dứt HĐLĐ và các chính sách, quyền lợi của NLĐ...
Cán bộ Công đoàn phải sâu sát cơ sở
Ở quy mô toàn quốc, ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) - cho biết, trong thời gian qua, LĐLĐ các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo các cấp CĐ nắm bắt thông tin và tuyên truyền cho công nhân lao động (CNLĐ) không cầm cố, thế chấp, mua bán sổ bảo hiểm xã hội (BHXH), hạn chế lĩnh BHXH một lần để có thể nhận lương hưu khi hết tuổi LĐ. Thương lượng với NSDLĐ để sắp xếp, bố trí các phương án LĐ phù hợp nhằm bảo vệ việc làm cho NLĐ.
Tư vấn, hướng dẫn hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và trả lời thắc mắc của NLĐ nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho NLĐ, tránh xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Thực hiện tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như các vấn đề về tiền lương ngừng việc; quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của NSDLĐ; tạm hoãn thực hiện HĐLĐ; NLĐ nghỉ việc vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc lý do kinh tế... Tham gia giải quyết tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể, đình công tại các DN. Thương lượng, giải quyết quyền lợi cho tập thể NLĐ bị xâm phạm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Ông Hoàng Hữu Nghị - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Đà Nẵng - cho rằng, bài học kinh nghiệm rút ra trong hai đợt dịch vừa qua ở Đà Nẵng là muốn đối thoại mang lại kết quả, cán bộ CĐ phải sâu sát cơ sở, nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất kinh doanh và thực hiện chế độ chính sách đối với NLĐ của các DN để có giải pháp phối hợp giải quyết. Thường xuyên gần gũi, liên hệ mật thiết với đoàn viên, NLĐ, phát huy vai trò tập thể trong việc đối thoại, thương lượng. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Lao động năm 2019 cho cả NLĐ và NSDLĐ để NLĐ tự bảo vệ mình trước khi CĐ bảo vệ. CĐ các cấp phải tăng cường giúp đỡ, tư vấn cho cán bộ Công đoàn cơ sở về quy trình, kỹ năng thương lượng, tập trung vào các chế độ, chính sách liên quan đến NLĐ như chế độ tiền lương, bảo hiểm, thời giờ làm việc...