Apple có số phận nghiệt ngã vì quá bền?
Apple một bước lên đỉnh cao và bỏ xa các đối thủ, thế nhưng chính sản phẩm làm nên danh tiếng hãng này – iPhone - lại là mối đe dọa tiềm tàng vì quá bền. Theo đó, tính đến tháng 3 năm nay, Apple đã bán ra tổng cộng 1,163 tỉ chiếc iPhone. Tuy nhiên, có tới 62,6 % số iPhone đã bán vẫn đang được sử dụng tốt, tương đương với 728 triệu chiếc, theo công ty phân tích thị trường Newzoo công bố.
Số lượng điện thoại thông minh của Apple chiếm tới 25% tổng số điện thoại thông minh trên toàn cầu. Số liệu khảo sát của Newzoo cũng cho thấy vì sao thị trường Trung Quốc quan trọng với Apple đến vậy. Đó là vì số lượng iPhone người Trung Quốc sử dụng chiếm tới 31,3% (khoảng 228 triệu chiếc) trên tổng số iPhone đang hoạt động trên toàn cầu. Mỹ nơi sản sinh ra iPhone cũng chỉ đứng thứ 2 với 16,4% (khoảng 120 triệu chiếc). Mẫu iPhone thông dụng nhất là iPhone 6 (21%), iPhone 6s (18%), iPhone 7 (11%), iPhone 6 Plus (9%) và iPhone 6s Plus (8%).
Lộ cấu hình Bphone 2, không có gì đặc biệt
Liệu CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng có thể tạo ra sức hấp dẫn mới cho Bphone 2? |
Khi ra đời, Bphone của Bkav đã là nguồn cơn của nhiều cuộc tranh luận nảy lửa trên mạng. Thế nhưng với Bphone 2, cho đến thời điểm này, dù lộ cấu hình nó vẫn không gây được nhiều bất ngờ. Theo đó, Bphone 2 sẽ sở hữu màn hình Full HD 5,5 inch, tích hợp bộ vi xử lý 8 nhân tốc độ 2GHz, camera sau 21MP, quay video 4K, camera trước 5MP.
Theo một số nhận định thì khả năng lớn Bkav sẽ lựa chọn một trong hai bộ vi xử lý thông dụng hiện nay là Qualcomm Snapdragon 835 và Snapdragon 625 cho Bphone. Nhận định khác lại cho rằng, Bkav sẽ chọn cả hai bộ vi xử lý trên để dùng cho Bphone phiên bản cao cấp Ram 4GB và bình dân Ram 3GB. Về cổng giao tiếp, Bphone đời mới sẽ dùng USB-C thay cho cổng MicroUSB. Tuy nhiên, tất cả các tính năng độc đáo như trên Bphone đời đầu vẫn chưa ai nhắc tới như chụp trước lấy nét sau hoặc chạm máy để truyền tệp tin tốc độ cao...
Rồi Android sẽ chết
Dù có nhiều cải tiến nhưng Android vẫn quá phức tạp với nhiều người dùng. |
Chuyên gia Thom Holwerda từng nhận định trên OS News rằng, Android đang đi vào ngõ cụt, nên rất có thể Google sẽ từ bỏ phát triển hệ điều hành di động này. Android được phát triển từ nhân Linux cũ kỹ với hàng triệu dòng code. Mỗi lần cập nhật cho hệ điều hành Android, Google lại phải chờ dài cổ mới đặt 10% số máy đang có trên thị trường.
Trong khi đó, Android dần trở thành mảnh đất màu mỡ cho sâu máy tính, virus. Chuyên gia này nhận định, Android đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử và sẽ nhường chỗ cho một thứ khác. Ngoài ra, Google muốn thoát khỏi mọi ràng buộc về bản quyền và những thứ phức tạp khác nằm trong tay những công ty lớn như Microsoft. Để giải quyết các vấn đề phức tạp trên, dự án Fuchsia đã ra đời với kỳ vọng sẽ có một thứ khác thay thế cho Android.
Giao diện Mockup của dự án Fuchsia. |