Tại hội thảo “Ứng dụng công nghệ trong quản trị toà soạn số” do Hội Nhà báo Việt Nam và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông phối hợp hợp tổ chức vào ngày 17.8, Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn - Chủ tịch Liên minh Blockchain Việt Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu CMC đã nhấn mạnh khả năng ứng dụng công nghệ Blockchain trong ngành báo chí và truyền thông, cho thấy những lợi ích mà công nghệ này đem lại cho các toà soạn nếu được ứng dụng đúng cách.
Theo ông Tuấn, công nghệ Blockchain có thể được ứng dụng trong nhiều khía cạnh khác nhau của báo chí như khả năng xác thực thông tin, bảo vệ tính toàn vẹn của nội dung báo chí hay cơ chế an toàn và minh bạch của công nghệ này khi được sử dụng để quản lý giao dịch quảng cáo và đối tác.
Ứng dụng NFT trong toà soạn báo chí
Đi sâu hơn vào những ứng dụng của công nghệ Blockchian, NFT (mã thông báo không thể thay thế) là cái tên không thể bỏ qua. Tuy nhận được nhiều ý kiến trái chiều về các tác phẩm từ phía người dùng, NFT vẫn có thể mang lại nhiều lợi ích cho các tờ báo trong thời đại số.
Theo ông Tuấn, các toà soạn có thể tạo NFT để đại diện cho các tác phẩm số, bài viết, hình ảnh, video, âm nhạc và nhiều loại nội dung khác. Nhờ vậy, những nội dung này sẽ được đảm bảo tính duy nhất và không thể thay đổi của tác phẩm, giúp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của tác giả và ngăn chặn việc sao chép trái phép.
Toà soạn cũng có thể hợp tác với nghệ sĩ và tác giả xây dựng các bộ sưu tập NFT độc đáo và đặc biệt, liên quan đến các chủ đề, sự kiện hoặc nhân vật nổi tiếng, giúp thể nâng cao hình ảnh và uy tín của toà soạn, đồng thời mang lại lợi ích tài chính cho cả hai bên và tạo ra một kết nối sâu hơn với độc giả.
NFT còn có thể được dùng để tạo ra các phiên bản độc quyền của nội dung, chỉ có thể truy cập bằng cách sở hữu NFT tương ứng. Điều này có thể tạo ra mô hình kinh doanh mới và thúc đẩy việc mua NFT để truy cập nội dung chất lượng cao.
Hợp đồng thông minh và Web3 giúp ích trong vận hành toà soạn
Trong khi NFT có thể được ứng dụng để giữ bản quyền và nâng cao hình ảnh, uy tín của các tờ báo, hợp đồng thông minh sẽ giúp ích trong khâu vận hành toà soạn. Nó có thể được sử dụng để quản lý quá trình biên tập và kiểm duyệt bài viết một cách tự động, ghi nhận và xác thực các bước trong quy trình biên tập, đảm bảo sự chính xác và minh bạch.
Khi một bài viết được xuất bản, hợp đồng thông minh có thể tạo một phiên bản hash (giá trị niêm phòng) của nội dung và ghi vào Blockchain. Bất kỳ sự thay đổi nào trong nội dung sẽ dẫn đến sự không khớp giữa các phiên bản hash và sự thay đổi sẽ bị phát hiện một cách dễ dàng.
Về vấn đề quản lý bản quyền, hợp đồng thông minh có thể được sử dụng để quản lý quyền sở hữu và bản quyền của tác giả và nhà báo nhờ khả năng tự động ghi nhận thông tin về tác giả, ngày xuất bản và quyền sở hữu trên Blockchain, giúp bảo vệ quyền lợi của người viết và tránh việc vi phạm bản quyền.
Liên quan tới quảng cáo, ông Tuấn đề xuất các tòa soạn nên tạo và triển khai hợp đồng thông minh để quản lý quá trình đặt và quảng cáo trên nền tảng của mình. Theo đó, nó sẽ tự động hóa việc xác nhận, thực hiện và thanh toán các giao dịch quảng cáo, giảm thiểu sự can thiệp của bên thứ ba và đảm bảo tính minh bạch.
Một trong những yếu tố quan trọng của công nghệ Blockchain là Web3. Công nghệ Blockchain và các giao thức mạng Web3 cho phép tạo ra các nền tảng phân phối nội dung phi tập trung, giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào các bên trung gian và tập trung quyền kiểm soát.
Toà soạn có thể sử dụng công nghệ Blockchain để xác thực nguồn gốc của nội dung và đảm bảo tính toàn vẹn của nó, trong khi người đọc có thể tin tưởng vào nguồn gốc của nội dung mà họ đang tiếp cận, nhờ vào tính không thể thay đổi của dữ liệu trong Blockchain.