Tầm trung, cận cao cấp…
Nhiều trang tin trang báo công nghệ đưa ra thông tin cấu hình Bphone 2 như sau: Màn hình 5,5 inch FullHD độ phân giải 1920 x 1080; chip Snapdragon 625 lõi 8 (64-bit xung nhịp 2.0GHz, sản xuất theo tiến trình 14nm); RAM 3GB; camera trước sau là 8/16MP; USB Type-C chạy hệ điều hành BOS trên nền tảng Android 7 Nougat; pin 3.000mAh hỗ trợ sạc nhanh 3.0…
Hãy so với OPPO F3, Bphone 2 ngang bằng về kích cỡ và độ phân giải màn hình, trội hơn một chút về hệ điều hành và camera sau (OPPO F3 chạy Android 6.0, camera sau 13MP), có khác biệt về chip (OPPO F3 chạy chip 8 nhân MT6750T) nhưng lại kém về RAM (OPPO F3 4GB) và camera trước (cụm camera kép của OPPO F3 là 16/8MP) cùng với pin (F3 có pin dung lượng 3.200mAh với công nghệ sạc nhanh VOOC nổi tiếng). F3 định giá bán ra 6.990.000 đồng.
Samsung Galaxy J7 Pro có cùng phân khúc giá với OPPO F3, cấu hình so với Bphone 2 cũng một 9 một 10. Tuy nhiên, sự vượt trội lớn nhất của Samsung chính là thương hiệu của “ông lớn” này mà Bphone không có được.
Cùng phân khúc này còn có Sony Xperia XA Ultra, trội hơn Bphone 2 về kích cỡ màn hình (6 inch) nhưng cùng độ phân giải, kém hơn về hệ điều hành (Android 6.0), pin và chip (chip Helio P10 8 nhân 64-bit xung nhịp 2.0GHz của MediaTek), ngang ngửa về RAM nhưng lại trội hơn về camera (trước 16MP, sau 21,5MP)… Giá bán online của Sony Xperia XA Ultra hiện chỉ còn 6.640.500 đồng.
Một ứng viên khác là Asus Zenfone 3 ZE520KL, giá 6.990.000 đồng, kém Bphone 2 về kích cỡ màn hình (5,2 inch) nhưng cùng độ phân giải; kém về dung lượng pin (2.650mAh), công nghệ sạc nhanh 3.0 và hệ điều hành (Android 6.0); tuy nhiên ngang ngửa về tốc độ vi xử lí (Snapdragon 625 với 8 nhân 64-bit xung nhịp 2,0GHz), cũng có USB Type-C và trội hơn về bộ nhớ trong (RAM 4GB).
Qua so sánh chỉ thuần về thông số như trên, có thể thấy cấu hình Bphone 2 đều hơn các mẫu còn lại, tuy nhiên sự trội đều hơn như vậy lại thiếu điểm nhấn tính năng. Với cấu hình như trên được cho rằng của Bphone 2, có thể xếp vào (khúc cuối) tầm trung cũng được mà (khúc đầu) cận cao cấp cũng khả dĩ. Về so sánh hiệu năng hoạt động sẽ khẳng định rõ hơn Bphone 2 ở tầm nào và phân khúc nào, thì cần phải có cơ quan kiểm định độc lập có uy tín xác nhận chứ không thể căn cứ vào những kiểu đo đạc dễ bị xô lệch bởi yếu tố quan hệ và chủ quan.
Định vị giá để bán được hàng mới là quan trọng
Chúng ta có thể thấy trên thị trường, với mức thông số cấu hình như Bphone 2, thường không ít thương hiệu smartphone Trung Quốc (tất nhiên là mạnh hơn thương hiệu Bphone, điển hình như Xiaomi) đẩy mức giá vào khúc cuối tầm trung, nghĩa là khoảng từ 7-8 triệu đồng. Tuy nhiên với một số thương hiệu lớn, điển hình như Samsung, thì thường sẽ đẩy lên phân khúc giá trên 8 triệu đồng, như dòng A (A5, A7 2016/2017) chẳng hạn, nhưng lại có điểm nhấn về thiết kế và một số yếu tố nổi bật để làm marketing. Và quan trọng nhất như đã nói ở trên, là sức mạnh thương hiệu giúp cho một số hãng có thể đẩy vượt phân khúc lên trên mà vẫn được người tiêu dùng chấp nhận.
Nhưng với Bphone 2, nếu đẩy mức giá lên phân khúc cận cao cấp, sẽ là một thách thức lớn. Thách thức này trước tiên đến từ cái “dớp” Bphone đời đầu, được định giá quá cao so với thương hiệu chưa có gì còn thiết kế kiểu dáng thì cũ kĩ. Bphone 2 cải tiến thiết kế kiểu dáng, nhưng về thương hiệu và chất lượng sản phẩm chưa có gì bảo đảm thuyết phục được người tiêu dùng (Bphone đời đầu bị phản ánh còn xảy ra nhiều lỗi).
Phân khúc cận cao cấp từ trên 8 triệu đến dưới 12 triệu đồng, Bphone 2 nằm ở mức nào? Ở mức 8 triệu hoặc 8 triệu hơn đã không hề dễ bán. Có thể, một lượng khách hàng vì tò mò, vì cảm tình, vì muốn sở hữu một mẫu Bphone 2 làm kỉ niệm… sẽ chấp nhận ở mức giá này. Nhưng rõ ràng, Bphone thế hệ 2 không còn nhiều sức nóng hoặc gây tò mò như Bphone đời đầu cách đây 2 năm.
Trường hợp nếu Bphone được định giá ở mức giữa từ 9 đến dưới 10 triệu đồng, thì không chỉ là thách thức mà có thể dẫn đến nguy cơ Bphone 2 sẽ giống như số phận Bphone đời đầu, sẽ rất khó bán được hàng.
Được chú ý trên dư luận, như trường hợp Bphone đời đầu hay thế hệ 2, là một lợi thế nhưng không có nghĩa là đã quyết định được vấn đề bán hàng. Có thể nói, đa phần sự quan tâm về Bphone là tò mò không hoàn toàn dẫn đến quyết định mua hàng.