Hệ thống thu phí điện tử (ETC), thu phí người sử dụng đường bộ hoặc định giá phương tiện di chuyển là những công cụ hiệu quả để thanh toán các khoản đầu tư tài trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng như cầu, đường hoặc hầm của nhiều nước trên thế giới.
Ngoài ra, các công nghệ tiên tiến này còn được áp dụng như những biện pháp để cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn cho người điều khiển phương tiện.
Hệ thống vệ tinh toàn cầu (GNSS)
Hệ thống định vị GNSS là một công nghệ thu phí tự động với phạm vi bao phủ toàn cầu, giúp xác định vị trí của phương tiện giao thông thông qua mạng lưới vệ tinh quay quanh quỹ đạo.
Cụ thể, GNSS kết nối hệ thống thu phí điện tử với toàn bộ dữ liệu trong thiết bị xe, sau đó nó sẽ tiến hành đối chiếu thông tin thu được từ không gian để tính toán một cách chính xác các lộ phí mà người lái xe cần phải trả.
Ưu điểm chính của công nghệ này là không cần lắp đặt và xây dựng bất kì trạm thu phí nào trên đường. Tuy nhiên, việc sử dụng GNSS được cho là sẽ không phù hợp với một số quốc gia vì các đơn vị thành phần trên bo mạch của nó rất tốn kém.
Nhận dạng biển số tự động (ANPR)
ANPR là công nghệ nhận dạng quang học kỹ thuật số dựa trên hình ảnh biển số xe mà nó chụp được để tính toán lộ phí khi phương tiện ở trong các điều kiện môi trường, ánh sáng khác nhau, và đặc biệt là ở bất kỳ tốc độ di chuyển nào.
Sau khi có được thông tin chi tiết về chiếc xe, công nghệ ANPR sẽ tự động thu phí ngay trên hệ thống mà người lái đăng kí trước đó.
Tuy nhiên, ANPR có thể bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết xấu (tuyết, mưa lớn, sương mù), biển số bị che khuất (bị hỏng, bẩn) hoặc do mật độ giao thông dày đặc. Khi đó, việc tính phí rất có thể bị sai sót và dẫn đến việc tụt giảm doanh thu.
Công nghệ thu phí trả sau kết hợp AI (M-Flow)
M-Flow là hệ thống thanh toán phí tự động do Bộ Giao thông Vận tải Thái Lan phát triển nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường cao tốc.
Trong khi công nghệ ANPR nói trên chỉ có khả năng chụp lại hình ảnh biển số xe thì M-Flow lại kết hợp sử dụng máy quay video và công nghệ AI với độ chính xác lên đến 99%.
Theo đó, thanh toán có thể được thực hiện trực tiếp trên ứng dụng M-Flow, hoặc thông qua ứng dụng ngân hàng di động của người dùng bằng cách quét mã QR trên các hóa đơn được gửi đến.
Tuy nhiên, người dùng đăng ký lái xe qua cổng M-Flow chỉ có thể thanh toán trong vòng hai ngày. Nếu thanh toán chậm, ứng dụng sẽ yêu cầu người dùng trả gấp 10 lần phí cầu đường. Thậm chí, những người trốn tránh việc thanh toán có thể sẽ phải đối mặt với hình phạt là cấm giấy phép lái xe.
Nhận dạng tần số vô tuyến điện (RFID)
Đây chính là công nghệ được áp dụng rộng rãi nhất trong các dự án ETC. Thứ nhất, do RFID xuất hiện ở dạng thẻ nên người điều khiển phương tiện có thể dễ dàng sử dụng khi xuất trình vé và thanh toán mà không cần thực hiện các thao tác công nghệ phức tạp nào khác. Ngoài ra nó còn có chi phí rất rẻ (chỉ vài chục nghìn đồng).
Tuy nhiên, công nghệ này có khả năng bảo mật không cao, vì vậy để ngăn chủ phương tiện trốn trả phí, các công ty sẽ yêu cầu họ lắp camera ở biển số xe nhằm tăng cường cho hệ thống thu phí dựa trên RFID.