Sàn forex núp bóng hội nghị, hội thảo
Forex nơi diễn ra các hoạt động trao đổi tiền tệ của các quốc gia thông qua hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Thị trường forex là nơi mua, bán, trao đổi loại tiền tệ này với loại tiền tệ khác nhằm kiếm lời từ chênh lệch tỉ giá. Về đến Việt Nam, giao dịch ngoại hối bị biến tướng dưới mô hình đa cấp.
Forex là thị trường có tính thanh khoản cao nhất toàn cầu, ước tính lên đến cả nghìn tỉ USD/ngày. Chẳng hạn, Exness – 1 sàn forex bất hợp pháp tại Việt Nam có tổng khối lượng giao dịch trong cả năm 2022 lên đến 27.2000 tỉ USD năm 2022, với số lượng khách hàng lên đến 450.000 người trong quý I năm 2023.
Hiện nay, Nhà nước chỉ cho phép các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh ngoại hối tại Việt Nam. Đồng thời, mọi hành vi kinh doanh ngoại tệ của cá nhân, tổ chức khác đều là vi phạm pháp luật.
Việt Nam được xem là một trong những thị trường quan trọng của các sàn forex ở châu Á. Do đó thời gian qua, các sàn này đều tìm cách tung ra nhiều chương trình hoạt động, núp bóng dưới các hội nghị, hội thảo.
Hôm 9.12, Finexpo tổ chức “Hội thảo ứng dụng công nghệ đổi mới với thương nhân Việt Nam năm 2023”. Đây là sự kiện được Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cấp phép. Nhưng sau đó, Sở đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) TPHCM kiểm tra thấy, sự kiện không diễn ra đúng với nội dung đề án đã được cấp phép.
Thay vào đó, sự kiện đã “núp bóng” để quảng bá cho hàng chục sàn forex quốc tế, thu hút rất đông khách tham dự, trong đó có nhiều trader (nhà giao dịch). Ban tổ chức sau đó đã dừng sự kiện.
Trước đó vào ngày 8.11 cũng tại TPHCM, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cùng các cơ quan chức năng đã buộc dừng 1 sự kiện quốc tế do quỹ Hubbis tổ chức, vì vi phạm các quy định về việc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam. Sự kiện này không xin phép, đồng thời có sự xuất hiện của sàn Exness – 1 sàn vi phạm pháp luật tại Việt Nam.
Trong đó, Exness là sàn giao dịch ngoại hối vi phạm pháp luật khi kêu gọi người dân tham gia đầu tư, sử dụng tên miền .vn để hoạt động công khai (đã bị chặn). Dù đã bị chặn tên miền .vn, nhưng thời gian qua, sàn này vẫn hoạt động tại Việt Nam với các tên miền quốc tế khác nhau.
Chia sẻ với Lao Động, bà Võ Thị Thu Sương - Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết, thời gian qua đã buộc dừng 2 sự kiện có sự xuất hiện của các sàn forex. "Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường quản lí, phối hợp với các cơ quan chức năng để hạn chế điều này".
Nhiều nguy cơ cho người tham gia
Các sàn forex không có giấy phép, không có pháp nhân tại Việt Nam có nhiều thủ đoạn tinh vi để lừa khách hàng, với một số chiêu bài chính. Cụ thể, sàn cam kết thắng có tiền, thua hoàn vốn. Để huy động vốn, các chủ sàn forex luôn cam kết lợi nhuận khủng, nếu thua lỗ sẽ được hoàn tiền. Nhà đầu tư nghe vậy sẽ vội tham gia vì suy nghĩ thắng có tiền, thua cũng chẳng mất gì. Thứ 2, các nhà giao dịch (trader) đóng vai trò cò mồi, tập trung tìm kiếm, dụ dỗ những người mới để nhận lợi nhuận từ tiền giới thiệu.
Thứ 3, các sàn forex lừa đảo tại Việt Nam cam kết lãi suất sẽ cao hơn cả ngân hàng. Vì thế, những đối tượng này tập trung tuyển nhiều thành viên mới theo mô hình đa cấp để gọi thêm vốn. Ngoài ra, các sàn forex đánh vào lòng tham của khách hàng, với những lời hứa lợi nhuận lên đến hàng chục % năm… Điều đó dễ khiến mọi người dao động, tin vào những kẻ lừa đảo.
Với việc hoạt động không phép, máy chủ đặt ở nước ngoài, nhiều thủ đoạn tinh vi, người tham gia chơi forex được xem là tiếp tay cho hoạt động phi pháp, đồng thời tiềm ẩn rủi ro về tài chính rất cao. Thời gian qua, lực lượng chức năng tại các địa phương như Hà Nội, TPHCM, Thanh Hoá, Đồng Nai… đã triệt phá hàng loạt vụ lừa đảo thông qua giao dịch ngoại hối, ủy thác đầu tư và trả lãi suất. Do đó, mọi người cần đề cao cảnh giác để tránh mất tiền oan.