Khi đề án đeo vòng heo để kiểm định chất lượng ra đời, thì trước đó cũng đã có những cách làm để chứng minh nguồn gốc và chất lượng thịt heo - đó là đóng dấu kiểm định. Sau khi mỗi con heo được mổ xong, Thú y sẽ đến kiểm tra và đóng dấu này vào từng con heo, từng thớ thịt trên con heo. Khi có con dấu xanh thì chất lượng thịt heo coi như được đảm bảo.
Thế nhưng, đó là trên lý thuyết, vì việc đóng dấu này cũng đã bị làm giả. Cụ thể, tháng 5 vừa rồi, Công an huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh đã phát hiện và xử phạt một người dân về hành vi sử dụng con dấu kiểm soát giết mổ gia súc giả của cơ quan thú y nhằm phục vụ cho mục đích kinh doanh thịt lợn của mình.
Khi mà “sứ mệnh” của con dấu kiểm soát giết mổ gia cầm không phát huy được hiệu quả thì chính quyền nhiều nơi đang tìm biện pháp khác để kiểm soát chất lượng thịt heo. Đơn cử đó là việc thành phố Hồ Chí Minh ra đề án đeo vòng cho heo.
Nhưng, khi cái tâm của những người buôn bán thịt không sạch thì việc đeo vòng cho heo cũng chưa phải là cách làm triệt để. Khi lợi nhuận được đặt lên hàng đầu, trên cả tính mạng sức khỏe cộng đồng thì không gì mà người ta không dám làm.
Vì từ trang trại đến lò mổ là một quá trình di chuyển dài, và khi kiểm soát viên chỉ nhìn vào chiếc vòng để truy xuất chất lượng thì đó là một hạn chế. Bởi trên đường đi chưa biết điều gì sẽ xảy ra với con heo, như một thương lái cho hay: "Khi vòng đã được mang vào thì trên đường đi heo vẫn có thể bị bơm nước hoặc tiêm thuốc an thần".
Và một hạn chế nữa, đó là muốn bán được heo, người chăn nuôi phải tốn 6.000 đồng. Một con heo nuôi cho đến khi xuất bán, tốn không biết bao nhiêu kinh phí, và giờ bắt người dân tốn thêm 6.000 đồng mỗi con nữa thì đó là một gánh nặng. Bởi, với một trang trại nuôi 10.000 con thì chi phí cho vòng lên tới 60 triệu đồng và nuôi số lượng càng lớn thì chi phí cho vòng càng tăng. Gánh nặng chi phí cứ đánh vào túi người dân thì có lẽ đến "vòng kim cô" cũng bó tay.