Cho dù là không nhất thiết phải hoá đơn đỏ như lời ông Lê Xuân Hoàng, Phó giám đốc Sở Y tế - kiêm Giám đốc BV đa khoa tỉnh Hoà Bình, thì cũng rất khó khăn cho các gia đình.
Bởi vì, tang gia bối rối, khi sự việc xảy ra, các gia đình không có tâm trí đâu mà lấy hóa đơn từ các dịch vụ, chi phí.
Việc tổ chức đám tang, trong nhiều trường hợp không phải do các thành viên ruột thịt của người đã khuất, mà do các thành viên là anh em, họ hàng đứng ra lo liệu.
Các chi phí của đám tang, thường theo phong tục của các vùng miền, và nhiều chi phí không thể chứng minh bằng hóa đơn.
Các gia đình có người chạy thận vốn đã rất khó khăn, vì bệnh này được mệnh danh là “ngốn tiền” rất kinh khủng, người giàu mắc sẽ thành nghèo, người nghèo thì khánh kiệt. Cuộc sống của bệnh nhân chạy thận, vốn đau đớn về mặt thể xác, sụp về tinh thần.
Người bệnh chết tức tưởi khi chạy thận, lỗi hoàn toàn thuộc về bệnh viện. Nay, họ vẫn chưa được thanh thản vì những thủ tục, đòi hỏi nhiêu khê. Gia đình, vốn đau buồn, nay lại thêm khốn khổ.
Điều làm dư luận bức xúc là những đòi hỏi về hóa đơn, chứng từ có phần máy móc, vô cảm từ phía người gây ra lỗi là Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Sinh mạng con người, không thể đo đếm bằng các con số tiền bạc vô cảm. Và đừng nghĩ rằng, bồi thường cho phía nạn nhân một món tiền nào đó là phủi tay, xong việc.
Lãnh đạo Bệnh viện tỉnh Hòa Bình nên đặt mình vào tâm thế gia đình các nạn nhân, để thấm thía nỗi bất hạnh mà họ phải gánh chịu, để có cách ứng xử phù hợp, đúng đạo lý.