Lấn chiếm bãi biển xây dựng lều quán để kinh doanh
Những ngày qua, nhiều người dân ở xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ, Bình Định) bàn tán xôn xao về tình trạng lều quán xây dựng kiên cố "mọc như nấm" dọc bãi biển thôn Xuân Thạnh, nhưng không bị chính quyền địa phương hay cơ quan chức năng nào xử lý.
Từ lời đồn thổi của người dân, chúng tôi đã đến khu vực bãi biển nói trên để tìm hiểu thực hư của tin đồn. Tại đây, đập vào mắt chúng tôi là khung cảnh nhếch nhác, lộn xộn của hơn chục lều quán được xây dựng, che chắn bằng tôn, bạt, có nền móng kiên cố nằm sát mặt biển.
Theo tìm hiểu của PV, tình trạng "mạnh ai nấy chiếm" diện tích bãi biển để xây dựng lều quán, hạng mục kiên cố, phục vụ cho hoạt động kinh doanh tại đây đã diễn ra trong thời gian dài, ảnh hưởng đến môi trường và an ninh trật tự của địa phương.
Điều lạ lùng hơn, hành vi trái quy định này lại được chính quyền địa phương xã Mỹ An tạo điều kiện bằng cách cho các hộ lấn chiếm làm giấy cam đoan theo mẫu mà UBND xã này đã chuẩn bị sẵn, để được tồn tại.
Theo nội dung trong giấy cam đoan mà Lao Động có được, các hộ dân thừa nhận đã tự ý lấn chiếm để xây dựng lều quán, buôn bán hàng hóa, phục vụ vui chơi, giải trí tại khu vực bãi sau (bãi biển thôn Xuân Thạnh), thuộc phần đất do nhà nước quản lý.
Các hộ dân lấn chiếm cam đoan sẽ không tự ý xây dựng lều quán và các hạng mục công trình khác theo hướng kiên cố tại vị trí đã dựng lều quán. Tự tháo dỡ lều quán và các hạng mục công trình khác, trả lại hiện trạng ban đầu khi có yêu cầu... Tuy nhiên, nội dung cam kết trên lại trái ngược hoàn toàn với thực tế.
Theo phản ánh của người dân sống quanh khu vực, tình trạng này ngày càng nở rộ. Hoạt động kinh doanh ăn uống của các lều quán tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, vì chất thải sinh hoạt, rác không được tập kết đến các điểm xử lý...
Địa phương "tạo điều kiện" cho dân lấn chiếm
Làm việc với Lao Động, ông Lê Xuân Thương - Chủ tịch UBND xã Mỹ An - xác nhận, trên địa bàn xã có xảy ra tình trạng hộ dân tự ý lấn chiếm bãi biển để xây dựng lều quán, kinh doanh dịch vụ ăn uống.
"Tình trạng này diễn ra từ năm 2023, địa phương đã yêu cầu các hộ dân tự tháo dỡ, khắc phục. Tuy nhiên, đến đầu năm 2024, tình trạng này lại tái diễn. Qua kiểm tra, địa phương đã phát hiện 17 hộ lấn chiếm mới.
Nhận thấy các hộ này có nhu cầu dựng lều quán tạm để phục vụ người dân, du khách ăn uống khi tắm biển nên địa phương đã thống nhất cho bà con làm tạm. Chúng tôi cũng yêu cầu các hộ này ký cam kết bảo đảm môi trường, giá cả dịch vụ..." - ông Thương cho hay.
Ông Thương cũng thừa nhận, việc cho phép các hộ lấn chiếm bãi biển dựng lều để hoạt động kinh doanh là không đúng quy định.
"Địa phương chỉ tạo điều kiện cho bà con kiếm thêm thu nhập, chứ không thu phí hay nhận bất cứ đóng góp gì của các hộ này. UBND xã đã mời các hộ này lên làm việc và họ cam kết sẽ tự tháo dỡ trong tháng 8 năm nay" - ông Thương nói.
Cũng theo ông Thương, tình trạng trên chỉ diễn ra trong mùa nắng, đến mùa mưa thì họ tự tháo dỡ. Hộ nào "xí chỗ" trước thì làm trước, nên họ chỉ dựng lều tạm bợ chứ không xây dựng công trình kiên cố.
Tuy nhiên, sau khi xem các hình ảnh về lều quán được xây dựng kiên cố mà PV cung cấp thì ông Thương mới "vỡ lẽ" và hứa sẽ kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng này.
Trao đổi với Lao Động về tình trạng trên, ông Hồ Ngọc Chánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ - khẳng định, không có chuyện người dân lấn chiếm diện tích bãi biển để xây dựng lều quán và cũng không ai cho phép việc này diễn ra. Địa phương sẽ kiểm tra thông tin mà báo đã phản ánh.