Hãy chọn khẩu phần ăn phù hợp với lứa tuổi của trẻ:
Nóng vội cho trẻ ăn dặm sớm, số bữa ăn quá nhiều so với tháng tuổi, ít thay đổi thực phẩm trong bữa ăn,… là những sai lầm thường gặp gây biếng ăn cho trẻ.
Bạn hãy tham khảo bảng hướng dẫn để giúp trẻ tiếp nhận bữa ăn vui vẻ:
Chọn sữa cho trẻ suy dinh dưỡng thấp còi:
Bạn hãy hướng đến loại sữa dễ tiêu hóa (một phần chất béo trong sữa là MCT) và có bổ sung đầy đủ các dưỡng chất hỗ trợ trẻ chống lại các bệnh nhiễm trùng và bắt kịp đà tăng trưởng như lysine, taurin, vitamin A,D,E,C và có hàm lượng can xi, sắt, kẽm phù hợp.
Thực phẩm an toàn rất có lợi cho sức khỏe của trẻ:
Thực phẩm dùng cho trẻ phải là thực phẩm sạch, đã qua kiểm dịch và phải truy xuất được nguồn gốc. Tránh làm mất các dưỡng chất của thực phẩm trong quá trình bảo quản, chế biến. Dùng nước sạch để nấu thức ăn và rửa các dụng cụ, chén, ly dùng cho trẻ. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và khi cho trẻ ăn.
Chủng ngừa đầy đủ giúp trẻ không mắc các bệnh nguy hiểm:
Tất nhiên là trẻ phải được chủng ngừa theo chương trình tiêm chủng quốc gia để phòng ngừa các bệnh lao, bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, sởi, viêm gan siêu vi B. Bạn cũng đừng quên chủng ngừa thêm các bệnh sau đây: Bệnh viêm màng não do não mô cầu, viêm màng não do Hemophilus influenza, viêm não Nhật Bản B, trái rạ, quai bị, rubella và bệnh tiêu chảy cấp do rotavirus.
Điều trị bệnh theo toa bác sĩ:
Khi trẻ mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám bệnh ngay, điều này giúp trẻ không bị mất sức do bệnh kéo dài, thuốc sử dụng cho trẻ cũng đơn giản hơn, không nên tự mua thuốc cho trẻ uống.
Theo dõi định kỳ giúp phát hiện sớm những rối loạn dinh dưỡng:
Trẻ dưới 24 tháng tuổi tăng trưởng nhanh và chế độ ăn thay đổi liên tục, vì vậy, bạn cần cho trẻ cân – đo – khám tư vấn dinh dưỡng mỗi tháng; sau 2 tuổi, việc theo dõi định kỳ có thể giãn ra mỗi 2 đến 3 tháng một lần; nếu trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi thì dù ở lứa tuổi nào cũng cần được khám tư vấn dinh dưỡng mỗi tháng.