Theo Lương y Thích Tuệ Tâm, Giám đốc Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa (Huế), ngoài việc được trồng để lấy bóng mát ở trường học và ven đường, cây bàng còn được Đông y xem là một loại thảo dược. Đông y dùng lá bàng để điều trị nhiều chứng bệnh khác nhau như chữa sốt, trị ghẻ, mụn nhọt, chữa viêm loét dạ dày, tê nhức chân tay…
Dưới đây là các bài thuốc từ lá bàng và cách dùng:
- Chữa sâu răng, viêm nướu: Vỏ cây bàng hoặc búp bàng non rửa sạch, cho vào nồi, sắc thật đặc cùng với nước. Dùng nước thuốc vừa sắc ngậm 2 lần mỗi ngày, tình trạng sâu răng, viêm nướu sẽ được cải thiện đáng kể.
- Chữa nhiệt miệng, loét miệng: Dùng lá bàng non nấu với nước cô đặc. Sau đó dùng nước này để ngậm, áp dụng thường xuyên thì tình trạng nhiệt miệng của bạn sẽ nhanh chóng được chữa khỏi.
- Trị ghẻ và mụn nhọt: Hái búp và lá bàng non rửa sạch, cho vào nồi và đun sôi cùng với nước, để nguội rồi ngâm vết thương vào trong nước thuốc khoảng 20 phút.
Trường hợp vết thương nằm ở những vị trí không thể ngâm được thì dùng búp bàng non giã nát, đắp lên vết thương mỗi ngày.
- Chữa viêm loét dạ dày: Lá bàng non rửa sạch, cho vào nồi đun sôi, chắt lấy nước thuốc vừa thu được để uống mỗi ngày.
- Chữa viêm họng: 7 – 10 lá bàng non hoặc búp bàng non rửa sạch, một ít muối hạt. Dùng khoảng 250ml nước, ít muối hạt và lá bàng cho vào máy xay sinh tố và xay nhuyễn sau đó lọc nước để uống hàng ngày.
- Chữa bệnh viêm âm đạo, viêm lộ tuyến của phụ nữ: 10 búp bàng hoặc 10 lá bàng non rửa sạch, đun sôi cùng với 1 lít nước và 2 thìa muối hạt. Để nguội rồi dùng bơm tiêm, bơm thẳng vào trong âm đạo mỗi ngày 3 lần, mỗi lần khoảng 3 – 4cc.
- Trị ngứa khi lên da non: Dùng lá bàng non để đun nước và rửa vết thương.