Tình yêu bất ngờ
Anh Nguyễn Văn Đức (SN 1986) sinh ra và lớn lên ở xóm 3, xã Quang Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An), một vùng quê nghèo, thu nhập của gia đình chủ yếu nhìn vào mấy sào ruộng. Học hết lớp 9, do đông anh em, điều kiện gia đình khó khăn nên anh không thi lên THPT, vào miền Nam làm phụ hồ.
Nhưng chỉ được một thời gian thì tai họa bỗng ập xuống. Đang làm việc, do sơ ý nên anh Đức bị ngã xuống từ trên cao, toàn thân đau đớn rồi bất tỉnh. Cú ngã khiến tủy sống bị tổn thương, dù bố mẹ đã bán gần như toàn bộ gia sản để đi khắp các bệnh viện nhưng các bác sĩ đều lắc đầu.
Từ đó anh phải chấp nhận cảnh đôi chân bại liệt, làm bạn với chiếc xe lăn trong suốt phần đời còn lại.
Khi tâm lý đã ổn định, anh đã chấp nhận cuộc sống tật nguyền, bố mẹ cho anh ra Hà Nội học lớp đào tạo về văn phòng cho người khuyết tật với hy vọng con sẽ tìm được một công việc phù hợp.
Ở lớp, anh thường xuyên tiếp xúc, chuyện trò với chị Lê Thị Dung, nhà ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội).
Cũng như anh Đức, Chị Dung cũng bị liệt nửa người từ nhỏ, một tay và một chân bị teo cơ, đi lại khó khăn. Cùng chung cảnh ngộ, những cuộc chuyện trò đã đưa hai người ngày một gần gũi, rồi tình yêu đến lúc nào không hay.
Lâu dần thành quen, tình cảm của đôi bạn trở nên thân thiết lúc nào không hay biết.
Chị Dung vốn xác định cả đời này sẽ không lấy chồng để không trở thành gánh nặng cho người khác.
“Ngay cả ngủ mơ, mình cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ lấy chồng và sinh con. Với mình, một gia đình riêng là cái gì đó rất xa xỉ”, chị Dung chia sẻ.
Nhưng tình cảm chân thành của anh Đức làm chị rung động và quyết định thay đổi.
Chuyện tình cổ tích
Ban đầu, khi biết con gái yêu người con trai ở tận Nghệ An, bố mẹ chị Dung không khỏi băn khoăn vì đường xa cách trở. Nhưng trước sự quyết tâm và tình yêu của con gái, cuối cùng bố mẹ chị cũng chiều theo ý con.
Đám cưới anh Đức và chị Dung được tổ chức vào cuối năm 2012 trong niềm hân hoan của hai gia đình và bè bạn. Cũng từ đây, đôi vợ chồng trẻ bắt đầu cuộc sống mới – cuộc sống hoàn toàn tự lập.
Cô gái Hà Nội đã không khỏi bỡ ngỡ trong thời gian đầu về làm dâu xứ Nghệ nhưng rồi cũng dần thích nghi với cảnh nắng cháy, mưa dầm khắc nghiệt.
Bố mẹ ở quê cũng làm nông nghiệp, cùng từng quen với công việc chăn nuôi nên chị Dung bàn với chồng đầu tư vốn phát triển đàn gà, đàn lợn để làm kế sinh nhai.
Khởi đầu vợ chồng anh chị chỉ nuôi vài con lợn, mấy chục con gà, thu nhập chẳng đáng là bao sau khi đã trừ chi phí. Trong khi đó, nhu cầu trang trải cuộc sống ngày một lớn, nhất là khi chị Dung lần lượt sinh 3 con (2 gái, 1 trai).
“Tôi yêu tất cả con người anh ấy bằng tình yêu chân thành nhất. Chúng tôi yêu nhau và mong muốn cùng xây một ngôi nhà hạnh phúc. Chúng tôi sẽ cố gắng sống thật tốt để trở thành chỗ dựa cho nhau, yêu thương nhau, cùng vun đắp mái ấm gia đình", chị Dung chia sẻ.
Trước khó khăn của đôi vợ chồng tật nguyền, năm 2015, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Quang Sơn đã trích 7 triệu đồng từ Quỹ xóa đói giảm nghèo cho vợ chồng anh Đức vay làm vốn làm ăn. Cùng với số tiền vay từ anh em nội ngoại, anh chị quyết định mở rộng quy mô phát triển chăn nuôi, từ 2 – 3 con lợn ban đầu sau tăng lên 7 – 8 con, có thời điểm lên tới gần 30 con lợn thịt và lợn giống.
Năm 2018, anh chị được Hội phụ nữ huyện Đô Lương hỗ trợ 100 con gà giống, gia đình lại có thêm niềm hy vọng thoát nghèo. Thuở nhỏ, chị Lê Thị Dung từng phụ giúp bố mẹ nuôi lợn, gà nên nắm khá vững về kỹ thuật chăn nuôi.
Đàn lợn, gà được chăm sóc và phòng dịch thường xuyên nên phát triển nhanh, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Chị còn tranh thủ nấu rượu bán, lấy bã rượu phục vụ chăn nuôi.
Còn anh Đức do thương tật nặng phải di chuyển bằng xe lăn nên anh mở thêm sạp hàng tạp hóa phục vụ bà con trong xóm. Chứng kiến cảnh người vợ chân, tay cà nhắc bưng bê thức ăn cho lợn, gà, quần quật suốt ngày lo công việc, nhiều lúc anh rơi nước mắt vì vừa thương, vừa tủi.
“Thấy vợ tất tả chăm con, chăm mấy chục con lợn, mấy trăm con gà mà thương vô cùng. Có lúc cứ nghĩ vì vợ theo mình về đây nên phải chịu cảnh vất vả, cực nhọc”, anh Đức tâm sự.
Anh Đức luôn tìm cách chia sẻ với công việc vợ như thái rau cho lợn, gà; dùng xe máy 3 bánh đưa, đón 2 con gái đầu đến lớp và trông giữ con trai út trong lúc vợ làm việc.
Ngày tháng trôi qua, các con ngày một khôn lớn, những khoản nợ cũng đang được trả dần. Sau một ngày vất vả, các thành viên trong gia đình lại đoàn tụ, ngôi nhà nhỏ lại ăm ắp tiếng nói cười.
Anh Đức cho biết, dù phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng vợ chồng đã vượt qua được những khó khăn thử thách ban đầu, thì giờ đây hai vợ chồng sẽ quyết cùng nhau cố gắng để xây nên một gia đình đầm ấm. Còn chị Dung thì mỉm cười nói: "Miễn vợ chồng hạnh phúc là mình vui lắm rồi".