Mai đúng là nắng thật song vẫn mơn trớn dịu dàng như còn dùng dằng với cái lạnh. Ngày sau đùng cái, nắng lên nhanh buổi trưa nhưng sáng vẫn rét lắm. Thành thử sáng vẫn áo rét, khăn quàng, trưa lại muốn cởi ra lần lượt.
Nhiều người nhăn nhó: Thời tiết này chỉ khổ người già, trẻ con. Chả hẳn thế, sự đỏng đảnh của khí hậu làm khổ cả tuổi trung niên, nhất là dân văn nghệ vốn nhạy cảm với thời tiết. Càng có tuổi càng dễ tâm tư. Ông nhà văn già cứ trời nóng là cảm thấy bức bối, bật cả điều hòa, thêm quạt cây vẫn kêu nóng. Ông bị nóng trong người nên lúc nào cũng cảm giác bốc hỏa nhưng lại hay uống rượu và thích đồ cay nóng. Nhất là món ớt xanh, nhiều bữa, ông đòi bà lão rang cơm với ớt xanh như món cơm ớt - đặc sản ở một tỉnh miền Trung.
Cô kỹ sư kia lại sợ lạnh đến mức, trời chưa đại hàn mà ở trong mặc áo giữ nhiệt, ở ngoài chơi nguyên cả cái áo bông to sụ 2 lớp mũ trùm đầu, vốn chỉ dành cho du khách đi xứ tuyết. Cô lại hay bị đổ mồ hôi, nhiều khi ăn bát phở nóng quá toát mồ hôi, ướt sũng cả áo, bị trúng gió là ngất ngây ngay.
Cuộc đời chả giống ai. Lão nông gần nhà trên 70 tuổi, xưa là dân làm ruộng ở quê sau lên thành phố làm đủ nghề, khỏe lắm, sáng chạy ra công viên vẫn cứ mặc áo mỏng, quần đùi. Chạy chậm cả tiếng về, mồ hôi như tắm, cười thỏa mãn lắm. Giống như cô cháu gái XX trời lạnh đến mấy vẫn áo thun, quần cộc đi tập, bảo tập tý nóng người, có gì mà lạnh.
Bạn bị mồ hôi tay từ nhỏ, hồi còn đi học mỗi lần chép bài luôn phải để một tờ giấy kê dưới. Lớn lên, bệnh mồ hôi không dứt mà còn nặng hơn, gây ảnh hưởng đến nhiều việc trong cuộc sống. Chữa trị, uống thuốc, tiêm thuốc mãi không khỏi, bác sĩ bảo chỉ có cách là cắt hạch giao cảm đi sẽ hết. Bạn quyết định không cắt, vì sợ nếu cắt có thể sẽ mất đi cảm giác nóng, lạnh. Mà cái cảm giác hơi ấm của một bàn tay khác giới trong đêm đông bạn từng nhớ mãi.