Trong thời tiết se lạnh những ngày cuối năm, gia đình được đoàn tụ cùng nhau bên mâm cơm gia đình là điều tuyệt vời.
Thế nhưng, ngoài những món ăn thông thường, bạn có thể nhanh tay chuẩn bị một nồi lẩu Thái tự nhà ngon như ăn hàng.
Ăn lẩu chống ngán, ngoài ra, đây còn là cách để mọi người ăn được nhiều rau hơn. Ăn nhiều rau bổ sung chất xơ, tốt cho sức khỏe.
Không cần cầu kỳ, bởi lẩu Thái có vị đặc trưng từ nước lẩu. Vị chua chua, cay cay kích thích vị giác cho người ăn ngon miệng, cơ thể ấm hơn trong ngày lạnh.
Cách làm nước lẩu Thái đơn giản bao gồm: sả cây, riềng củ thái lát mỏng vừa phải, ớt trái khoảng 4 quả, cà chua bổ cau, khoảng 5 lá chanh, hành tím, dứa.
Bạn cho các nguyên liệu kể trên xào khô cho thơm rồi cho nước gia vị được làm từ xa tế tôm, thêm tương ớt đóng chai để nước lẩu dậy mùi hơn.
Nguyên liệu không thể thiếu của lẩu Thái chính là nước cốt dừa. Tùy khẩu phần ăn, bạn nêm nếm gia vị và cho mức nước vừa phải. Như vậy, bạn đã hoàn thành xong phần nước dùng.
Nhắc tới lẩu Thái, người ăn nghĩ ngay tới những nguyên liệu hải sản ăn kèm như: ngao, bạch tuộc, tôm, mực, cá biển...
Tuy nhiên, nhiều người không thích ăn hải sản, với phần nước lẩu trên, bạn có thể nhúng kèm thịt bò, thịt sụn lợn non...
Rau ăn kèm lẩu Thái, bạn có thể chọn những loại rau yêu thích. Thế nhưng, số đông chọn ngô ngọt, rau muống, nấm các loại, đậu rồng, bắp chuối bào sợi...
Đây là công thức làm lẩu Thái cho người bận rộn, ăn ngon mà vẫn đúng vị.
Ngoài lẩu Thái, những ngày Hà Nội mưa lạnh, bạn có thể trổ tài nấu nhiều món lẩu phiên bản đơn giản tại nhà như: Lẩu gà lá é, lẩu chua đầu cá hồi, lẩu nấm kim chi, lẩu bò sa tế...