Ngày Quốc tế hạnh phúc 20.3 được Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc chính thức công bố tại một hội nghị của Liên Hợp Quốc về vấn đề này từ tháng 6.2012.
Việc Liên Hiệp Quốc chọn ngày 20.3 vì đây là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo khiến độ dài ngày và đêm bằng nhau. Nó đại diện cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ, sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực.
Ngày Quốc tế hạnh phúc được lấy ý tưởng từ Vương quốc Bhutan, một quốc gia ở khu vực Nam Á, nằm sâu trong lục địa phía Đông dãy Himalaya. Bắt đầu từ những năm 1970, Quốc vương Bhutan này đã đưa ra một cách thức mới đánh giá sự thịnh vượng của xã hội, đó là thông qua chỉ số hạnh phúc quốc gia, bên cạnh các chỉ số về kinh tế thường được dùng để đánh giá về sự giàu có vật chất. Chỉ số này được tính toán dựa trên các yếu tố về sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân.
Đến nay, đã có 193 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam cùng cam kết ủng hộ, hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng một thế giới đại đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, đem lại hạnh phúc cho nhân loại.
Liên Hợp Quốc hàng năm cũng lấy số liệu, tổng hợp và đưa ra Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (World Happiness Report - WHR) nhân dịp ngày 20.3, nhắm xếp hạng mức độ hạnh phúc của gần 150 quốc gia.
Đánh giá này cơ bản dựa vào các chỉ số như tuổi thọ, sức khỏe, thu nhập bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội trong thời kỳ khó khăn, mức độ tham nhũng và lòng tin xã hội. Cùng với đó là độ rộng lượng của cộng đồng và người dân được tự do đưa ra các quyết định quan trọng trong cuộc sống.
Trong đó, top 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong năm 2022 lần lượt là: Phần Lan, Đan Mạch, Iceland, Thụy Sĩ, Hà Lan, Luxembourg, Thụy Điển, Na Uy, Israel và New Zealand.
Nổi bật là Phần Lan đã dẫn đầu danh sách này trong 5 năm liên tiếp. Quốc gia Bắc Âu này có 5,5 triệu dân, nổi tiếng là quốc gia có dịch vụ công tốt, người dân tin tưởng vào chính quyền, mức độ tội phạm và bất bình đẳng thấp. Việt Nam đứng thứ 77 trên bảng xếp hạng, tăng 2 bậc so với năm 2021.