Theo nghiên cứu của Action Aid, tỉ lệ phụ nữ Việt Nam từng bị quấy rối, từ lời nói khiếm nhã cho đến hiếp dâm là 87%. Có thể nói quấy rối tình dục ở Việt Nam là một vấn nạn.
Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI hoàn thiện Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Dự thảo định nghĩa về quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Có 3 hình thức quấy rối tình dục tại nơi làm việc gồm quấy rối mang tính thể chất, bằng lời nói, ngôn ngữ cơ thể.
Quấy rối mang tính thể chất là những hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục.
Quấy rối tình dục bằng lời là nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc phương tiện điện tử có nội dung tính dục hoặc ngụ ý tình dục.
Quấy rối tình dục phi lời nói là ngôn ngữ cơ thể, trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử như nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, cử chỉ ngón tay.
Theo Rapecrisis, các hình thức quấy rối tình dục đang ngày càng có xu hướng tinh vi hơn, đặc biệt là khi thế giới internet phát triển. Tính ẩn danh hoặc việc trò chuyện bằng tin nhắn, không đối diện trực tiếp đã tạo điều kiện cho kẻ quấy rối dễ thực hiện những hành vi, lời nói có tính chất sàm sỡ, gợi dục.
Tuy nhiên có nhiều người không ý thức được việc mình đang là nạn nhân của quấy rối tình dục và cho đó chỉ là trêu đùa.
Điển hình như việc nữ nhân viên thường xuyên được sếp khen ngợi về ngoại hình hoặc sự hấp dẫn trước mọi người mà không biết đó chính là hành vi quấy rối tình dục và lấy đó làm niềm kiêu hãnh khi được sếp khen trước mọi người.
Theo PGS. TS Nguyễn Phương Mai - Chuyên gia về Quản trị đa Văn hóa và Khoa học Não bộ ứng dụng: "Với văn hóa “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu” khiến có người thậm chí lầm tưởng đó là một thứ có quyền kiêu hãnh.
Chính vì thế, nhiều người cho rằng con số 87% thật ra còn cao hơn, bởi sẽ có những người bị quấy rối hoặc thậm chí xâm hại mà không hề biết mình là nạn nhân. Đó là còn chưa kể rất nhiều trường hợp các bé trai và đàn ông cũng bị quấy rối nhưng do định kiến xã hội mà khó có thể chia sẻ và bộc lộ".
Theo Nolo, mặc dù quấy rối tình dục đang trở thành vấn nạn nhưng phần lớn nạn nhân đều chỉ biết âm thầm chịu đựng khi bị quấy rối tình dục và dẫn đến cảm giác khó chịu, sợ hãi, bị sỉ nhục hoặc không an toàn,...
Cũng có người dũng cảm đứng lên tố cáo nhưng thường phải chịu áp lực rất lớn từ dư luận, thậm chí có khi còn bị phê phán ngược lại rằng “chắc cũng chẳng đứng đắn, chính chuyên gì” hoặc “phải thế nào thì mới bị quấy rối”.
Những năm gần đây, quấy rối tình dục đã được cộng đồng, dư luận quan tâm và phản đối mạnh mẽ, dư luận cho rằng cần phải phơi bày những hành vi vô văn hóa, thiếu chuẩn mực này ra ngoài xã hội.
Đồng thời cần có những chế tài xử phạt nặng hơn nữa, đủ sức răn đe đối với những hành vi quấy rối tình dục mang tính tinh vi.
Tuy nhiên, ở một số nơi, một số người thì tính nghiêm trọng của vấn đề cũng chưa được nhìn nhận một cách đúng mức, dù nạn nhân lên tiếng thì người quấy rối cũng không bị xử lý một cách thỏa đáng.