Trả lời cho vấn đề này, bà Vũ Thuỳ Trang (Công ty Luật TNHH YouMe, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho hay:
Trước đây, Khoản 3 Điều 4 Nghị định 45/2013/NĐ-CP có quy định về trường hợp người lao động được nghỉ bù sau mỗi đợt làm thêm tối đa 7 ngày liên tục trong tháng. Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải bố trí để người lao động nghỉ bù số thời gian đã không được nghỉ.
Tuy nhiên văn bản này đã hết hiệu lực và cũng không có quy định nào thay thế. Hiện nay Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn chỉ ghi nhận trường hợp duy nhất được nghỉ bù dịp Tết là khi trùng ngày nghỉ lễ hằng tuần.
Cụ thể Khoản 3 Điều 111 quy định như sau: Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại Khoản 1 Điều 112 của Bộ luật này thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.
Theo đó, nếu ngày Tết Nguyên đán trùng với ngày nghỉ hằng tuần, người lao động sẽ được nghỉ bù vào ngày làm việc của tuần kế tiếp.
Ngoài ra không còn quy định nào khác đề cập đến việc nghỉ bù dành cho người lao động đi làm vào ngày Tết Âm lịch.
Do đó, khi đi làm dịp Tết, người lao động chỉ được tính lương làm thêm giờ chứ không được nghỉ bù vào ngày khác.