Khi phim Việt “bắt trend” để hấp dẫn khán giả

Việt Văn |

Điện ảnh Việt đang rơi vào cảnh ảm đạm thời COVID-19 thì “Bố già” của Trấn Thành như một cú bứt phá ngoạn mục, vừa phá kỷ lục doanh thu của hàng loạt “bom tấn” Việt trước đó, vừa khẳng định xu thế làm phim gia đình là đúng đắn. Và nhìn sang xứ Hàn, không phải ngẫu nhiên mà phim “Minari” (tựa Việt: Khát vọng đổi đời) của đạo diễn Lee Isaac Chung giành nhiều thắng lợi vẻ vang như vậy.

Giải mã kỷ lục của phim Việt

Ở lĩnh vực phim truyền hình, từng có một “Về nhà đi con” lấy bao nước mắt khán giả, đạt chỉ số rating cao ngất. Câu chuyện dung dị, ca ngợi tình cảm cha con và gương mặt “khổ khổ” của diễn viên Trung Anh cứ ghim vào, ám ảnh người xem. Sự thương cảm và “tồi tội” ấy tạo ra cảm giác cảm thông khi dường như ai cũng tìm thấy hình bóng của mình, bạn bè, họ hàng hay người thân của mình trong đó, thế nên không “ăn khách” mới là lạ.

Và sang lĩnh vực phim điện ảnh, “Bố già” của Trấn Thành, mà nói đúng hơn là của Vũ Ngọc Đãng (đạo diễn tài hoa từng làm “Những cô gái chân dài”, “Hotboy nổi loạn”, “Đẹp từng centimet”…) và Trấn Thành, cũng bắt đúng “trend” (xu hướng, trào lưu) đó. Từ câu chuyện, góc máy quay đến cách dựng phim không thực sự quá ấn tượng, sáng tạo nhưng “Bố già” xem dễ chịu và dễ nhận được sự đồng cảm của khán giả cũng như các nhà chuyên môn. Từ đạo diễn Bùi Tuấn Dũng vốn khó tính cũng gật đầu cho đến nhà biên kịch Nguyễn Thu Dung đi xem về khen hết lời “Không thể chê được cái gì. Kịch bản, đạo diễn, quay phim, diễn xuất, thoại phim đều ưng quá là ưng!”.

Ngoài ra, việc Trấn Thành có một lượng “fan” hùng hậu và độ quái của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng (từng "gây sóng” với “Bỗng dung muốn khóc”) đã tạo nên một “Bố già” của những kỷ lục.

Có một điểm đáng lưu ý là “Bố già” ra mắt đúng thời điểm thế giới, trong đó có Việt Nam, đang trải qua đại dịch COVID-19 khi mà cuộc sống trở nên mong manh, bất an thì gia đình lại là điểm tựa vững chắc nhất. Sự kết nối của các thành viên trong mỗi gia đình lại càng cần được thắt chặt hơn bao giờ hết để cùng đoàn kết, vượt qua những thời khắc khó khăn. Vì thế, câu chuyện về gia đình đang là xu hướng cần nắm bắt.

Đến siêu phẩm xứ Hàn “Minari”

Năm nay, siêu phẩm “Minari” (Khát vọng đổi đời”) của đạo diễn Hàn Quốc Lee Isaac Chung với dàn diễn viên đa phần đều là người Hàn hoặc người gốc Hàn, với việc đoạt hàng loạt giải thưởng điện ảnh danh giá như Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại lễ trao giải Quả Cầu Vàng, Giải thưởng do khán giả bình chọn và Giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo Sundance 2021 và tiếp nối phim Hàn“ Parasite” (Ký sinh trùng) năm ngoái với 6 đề cử, trong đó chiếm đến 5 hạng mục lớn và danh giá nhất của tượng vàng Oscar.

Cảnh phim “Minari“. Ảnh: CGV cung cấp
Cảnh phim “Minari“. Ảnh: CGV cung cấp

Câu chuyện phim cũng rất giản dị và không có nhiều kịch tính, về một gia đình người Hàn nhập cư tại Mỹ. Người chồng xoay sở trên mảnh đất rộng cằn cỗi để trồng rau, quả biến thành một nông trại có thể xuất khẩu sản phẩm đi các bang khác của nước Mỹ, còn người vợ làm ở một trại nuôi gà giống. Cặp vợ chồng có hai con thì con trai út bị bệnh tim. Bà ngoại từ Hàn sang thăm con và mọi chuyện cứ diễn ra tự nhiên, chân thật như sự vốn có của cuộc sống.

Từ cậu bé đã quen với lối sống tự lập và đôi khi “ích kỷ” ở Mỹ không thích bà ngoại vì bà không biết nướng bánh, vì bà có mùi Hàn quốc… Từ người chồng vì quá lao vào làm ăn mà không chú ý đến những cảm xúc của vợ. Và đến người vợ cũng vì mưu sinh mà chưa quan tâm đúng mức đến mẹ. Và người bà đáng yêu, kiên nhẫn, vị tha, dạy cho cháu mình ngày càng trưởng thành lên, trái tim ngày một khỏe lên, đến khi bà lăn ra ốm...

Tưởng như mọi sự đi đến sự tan rã thì vụ cháy nhà kho do bất cẩn đã đẩy cả gia đình gắn kết chặt chẽ lại với nhau để rồi thông điệp về giá trị gia đình, về tình yêu muôn đời lại cất lên tiếng nói đầy sức mạnh của nó.

Phim ca ngợi giá trị sống của người Hàn, của việc giữ gìn văn hóa Hàn trên đất Mỹ và cũng khen ngợi cả người Mỹ qua hình ảnh ông già trợ giúp làm vườn cho anh chồng hay cảnh ở nhà thờ khi mọi người dân đón nhận gia đình Hàn. Sống trong cuộc sống bất ổn này, cần hơn hết một đức tin - cũng là một điểm mạnh của phim qua hình ảnh những tín đồ Thiên chúa giáo quanh gia đình người Hàn.

Và việc xuất hiện đúng thời điểm đã đẩy “Minari” trở thành một phim được tôn vinh.

Và xu hướng gia đình có bền lâu?

Với phim truyền hình thì câu hỏi này đã có câu trả lời. Từ lâu đi vào đề tài gia đình luôn là thế mạnh của phim truyền hình. Không phải ai khác mà chính gia đình nhiều khi là “tứ đại đồng đường” cùng quây quần quanh màn ảnh nhỏ để xem phim. Thế nên những phim Mexico như “Người giàu cũng khóc”, “Đơn giản, tôi là Maria” hay phim Ấn Độ “Cô dâu 8 tuổi”, rồi hàng loạt phim Hàn dạo nào như “Anh em nhà bác sĩ”… mới mê đắm quyến rũ bao thế hệ khán giả Việt đến như thế. Rồi những phim truyền hình Việt sau này khai thác thành công đề tài gia đình mà gần đây như “Chuyện phố phường”, “Nàng dâu order”, “Về nhà đi con”, “Hoa hồng trên ngực trái”… luôn được khán giả đón nhận.

Với phim điện ảnh Việt, những “Nắng 3: Lời hứa của cha” (đạo diễn Đồng Đăng Giao), “Thưa mẹ con đi” (đạo diễn Trịnh Ðình Lê Minh) và đặc biệt “Hạnh phúc của mẹ” (đạo diễn Phạm Huỳnh Ðông)… đăng quang Cánh diều vàng giải Cánh diều Hội điện ảnh tháng 3.2020 là minh chứng tiêu biểu.

Cảnh phim “Hạnh phúc của mẹ“. Ảnh: HĐA cung cấp
Cảnh phim “Hạnh phúc của mẹ“. Ảnh: HĐA cung cấp

“Hạnh phúc của mẹ” đi vào cuộc sống của một làng chài nhỏ, ở đó có những người dân hiền lành và lương thiện. Phim ca ngợi tình mẫu tử với hình mẫu nhân vật Tuệ phải một mình bươn chải “một nắng hai sương” trong cuộc mưu sinh để nuôi cậu con trai tên Tim mắc chứng tự kỷ. Tuệ còn như gà mẹ sẵn sàng giang rộng đôi cánh che chở bảo vệ Tim khỏi những lời đàm tiếu.

Và Tuệ không cô đơn với tình làng nghĩa xóm từ những người tốt như ông bà Tám hay Giang - người đàn ông thầm yêu thương Tuệ nhiều năm qua mà chưa được đáp lại. Đức hy sinh của Tuệ thậm chí khi biết mình mắc bệnh càng hết lòng chăm lo cho con và tin vào một tương lai tươi sáng làm cho nhân vật Tuệ thật đẹp. Kết thúc phim, người xem không cảm giác bi quan mà thấy ấm lòng và thêm tin yêu cuộc sống.

Tuy nhiên, nói thật công bằng, những phim điện ảnh hay truyền hình Việt vẫn phải học tập, tham khảo phim gia đình Hàn Quốc nhiều. Học tập không chỉ ở các chi tiết thấm đẫm nhân văn, ở cách kể chuyện giỏi mà còn ở việc luôn khéo léo lồng vào những giá trị văn hóa đặc sắc dân tộc trong phong tục, tập quán, nếp sống, ứng xử hàng ngày… Xem phim Hàn, người ta dễ nhận ra hương vị Hàn, ngay trong các chi tiết, lời thoại. Còn phim Việt, rất nhiều phim cảm giác bị lai căng, bị pha tạp, thiếu đi sự thuần khiết của người Việt mà như người ở đâu đó dù cảnh trí, nhân vật Việt.

Hy vọng rằng từ những điểm sáng như “Cô Ba Sài Gòn”, “Hạnh phúc của mẹ”, “Bố già”… các nhà làm phim Việt sẽ có thêm nhiều động lực để sáng tạo ra nhiều tác phẩm mới xuất sắc về đề tài gia đình, vừa thắng về doanh thu, vừa giành được thành công trên trường quốc tế.

Việt Văn
TIN LIÊN QUAN

Khán giả bắt đầu ngán phim Việt nói quá chuyện bi lụy

NGỌC DỦ |

Sau thời gian dòng phim chính luận chiếm gần hết khung giờ vàng trên sóng truyền hình là tới loạt phim về mâu thuẫn gia đình, hôn nhân, lứa đôi... Và có một thực tế, một khi bị “quá no nê” những bộ phim chủ đề gia đình, yêu đương-hôn nhân, nhất là những phim nhấn nhá các yếu tố bi lụy, ắt khán giả sẽ lên tiếng tranh luận...

Phim ngắn và giấc mơ đường dài

Việt Văn |

Xu hướng làm phim ngắn nở rộ trong những năm gần đây với sự tham gia của nhiều bạn trẻ mê làm phim. Với các nhà điện ảnh lâu năm thì phim ngắn chính là sự khởi đầu, bước đệm cho một hành trình dài chông gai trên con đường làm phim. Dự án phim ngắn CJ do CJ Cultural Foundation và CJ CGV Việt Nam phối hợp triển khai được khởi xướng từ năm 2018, năm nay sẽ kết thúc nhận hồ sơ vào 18.5.2021.

Thấy gì từ sự thất bại của các phim Việt “độc lạ”?

NGỌC DỦ |

Chính áp lực cạnh tranh của thị trường điện ảnh đã khiến nhiều nhà sản xuất phải cố gắng sáng tạo, tìm hướng đi mới hơn cho các tác phẩm. Tuy nhiên, chỉ “độc, lạ” thôi là chưa đủ để thu hút khán giả ra rạp.

Bên trong Cung Thiếu nhi hiện đại bậc nhất Hà Nội

Tùng Giang |

Cung Thiếu nhi Hà Nội là một trong những công trình lớn, hiện đại và được khánh thành chào mừng kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô.

Nhà bị sập, cuốn trôi do bão, lũ lụt gây ra có được hỗ trợ?

NHÓM PV |

Người dân bị ảnh hưởng bởi bão, lũ sẽ được hưởng những khoản hỗ trợ nào từ Nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành?

Nước mắt ngày chia tay chiến sĩ bộ đội tại vùng lũ Yên Bái

Trần Bùi |

Sáng 22.9, người dân Yên Bái đổ ra đường, bịn rịn tiễn đoàn Bộ đội Cụ Hồ hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ bà con vùng lũ.

Đại gia Đức An bị yêu cầu trả hơn 31 tỉ cho cựu siêu mẫu

Anh Tú |

Cục Thi hành án dân sự TPHCM vừa có thông báo về thi hành án gửi cho ông Nguyễn Đức An, yêu cầu thanh toán cho cựu siêu mẫu Ngọc Thúy (vợ cũ) hơn 31 tỉ đồng.

Đến Huế ngắm vẻ đẹp kỳ vĩ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á

PHÚC ĐẠT - NGUYỄN PHONG |

HUẾ - Cảnh vật nơi phá Tam Giang được ví như một kiệt tác nghệ thuật có một không hai, khiến bất kì ai cũng phải đắm say mỗi lần ghé thăm khi đến Huế.