Mới đây, nhiều học sinh lớp 9 trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội làm bài thi học kỳ 1 môn Toán và kết quả là có 3.000 học sinh bị điểm dưới trung bình. Do vậy, Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân đã phải tổ chức cho các em thi lại vào ngày 17.12.
Nói về vấn đề này, chị Tô Thụy Diễm Quyên - một trong 20 người đầu tiên trên thế giới được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu, giảng viên chương trình đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho biết, tình trạng 3.000 học sinh phải thi lại đã phản ánh việc học một đằng thi một nẻo, dẫn đến hệ lụy như vậy. Việc dạy và thi chỉ đơn thuần là kiểm tra sự ghi nhớ và vận dụng kiến thức, từ đó đánh giá chất lượng học, năng lực, tư duy của từng học sinh và từng lớp.
"Nếu như giáo viên dạy mà để các em học sinh hình thành được các kỹ năng làm bài, quen với các dạng đề bài và có thể đọc được với những bài khó thì khi kiểm tra học sinh sẽ làm được hết. Tuy nhiên, thực trạng ở trên đã phản ánh sự không đồng bộ giữa quá trình dạy và việc kiểm tra kiến thức của học sinh. Khi ra đề theo hướng khác những gì học sinh học thì đương nhiên là học sinh sẽ không làm được" - chị Quyên cho hay.
Cũng theo chuyên gia giáo dục toàn cầu, khi xảy ra những trường hợp như này thì bao giờ cũng có mặt tích cực và mặt tiêu cực. Mặt tiêu cực nói lên sự không đồng bộ giữa cách ra đề và cách dạy. Còn mặt tích cực thì nó sẽ là một cú hích, một tác động để giáo viên thay đổi cách dạy, buộc phải bồi dưỡng và mở rộng kiến thức cho học sinh.
Cùng nhìn nhận dưới góc độ giáo viên, ông Nguyễn Khắc Tuấn – Giáo viên dạy Toán Trường THCS Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, Hà Nội đang có tình trạng thi gì thì học đấy, tức là đề thi ra như nào thì thầy cô ôn luyện cho học sinh như thế. Ví dụ như câu 1 trong bài liên quan đến lượng giác thì Sin và Cos có sự đối nhau nên nhiều học sinh sẽ không nhận ra, dẫn đến không làm được hoặc làm sai.
Nói kỹ về nguyên lý ra đề, ông Tuấn cho rằng, về nguyên lý cơ bản, khi ra đề, giáo viên phải bám sát các nội dung, kiến thức căn bản của Bộ GD&ĐT. Trong đề thi có 2 nội dung phân hóa cơ bản, đó là kiến thức vận dụng thấp và vận dụng cao. Do phom đề những năm trước khác năm nay nên học sinh vẫn luyện theo đề cũ là chính.
"Việc 70% học sinh thi lại là con số quá lớn, chiếm trên 2/3 nên không thể đổ lỗi cho chính các em, mà là do người dạy và người ra đề. Các thầy cô đã không nắm bắt được thực trạng học tập của học sinh nên ra đề chưa phù hợp. Chính học sinh chỉ là người phản ánh lại quá trình chất lượng dạy và truyền kiến thức của giáo viên. Do vậy cần tránh tình trạng thi gì học nấy, bó hẹp kiến thức của học sinh" - ông Tuấn nhận định.
Theo ông Tuấn, trước khi ra đề giáo viên cần khảo sát và nắm bắt được thực trạng học tập của học sinh, tránh tình trạng học một đằng thi một nẻo. Trong quá trình dạy học thì giáo viên cần dạy hết kiến thức trong sách giáo khoa, sau đó mở rộng kiến thức để học sinh làm quen với nhiều dạng bài, từ đó tránh việc thi gì đọc đấy. Bên cạnh đó học sinh cũng không nên học tủ, đoán đề trước khi thi.