Tổ chức xếp hạng Times Higher Education (THE) vừa công bố bảng xếp hạng đại học có tầm ảnh hưởng (Impact Ranking).
Bảng xếp hạng gồm 1.591 trường từ 112 quốc gia, vùng lãnh thổ, đo lường sự thành công của tổ chức giáo dục đại học trong việc trong thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals - SDGs) của Liên Hợp Quốc.
Cụ thể, một số mục tiêu là: Xóa nghèo, Xóa nạn đói, Bình đẳng giới, Bảo vệ khí hậu, Sức khỏe và cuộc sống tốt, Giáo dục có chất lượng, Hợp tác vì các mục tiêu phát triển, Giảm bất bình đẳng,...
Trong đó, SDG 17 (Quan hệ đối tác vì mục tiêu phát triển bền vững) là tiêu chuẩn bắt buộc. Sau khi cơ sở giáo dục đại học nộp dữ liệu và minh chứng đầy đủ, tổ chức THE sẽ tiến hành tính điểm và chọn ra 3 SDG có điểm số cao nhất trong 16 SDG còn lại.
Điểm tổng = điểm SDG 17 (chiếm 22% tổng điểm) + điểm 3 SDG còn lại (mỗi SDG chiếm tỷ trọng 26%).
Xét riêng về điểm SDG 17, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Kinh tế TPHCM có số điểm cao nhất trong các trường đại học Việt Nam (75,6-81,7 điểm). Trong khi đó, với SDG 4 (Giáo dục có chất lượng), Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục đứng đầu Việt Nam (75,4 điểm).
Năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Duy Tân xếp vị trí 401 - 600, tăng 200 bậc so với năm ngoái. Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Tôn Đức Thắng cùng lọt top 601-800. Trường Đại học Phenikaa xếp vào nhóm 801-1.000.
Trường Đại học Kinh tế TPHCM và Trường Đại học Mở TPHCM lần đầu tham gia bảng xếp hạng. Tuy nhiên, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM lại xếp vị trí 301 - 400, cao nhất trong các trường đại học của Việt Nam. Trong khi đó, Trường Đại học Mở TP.HCM xếp vị trí 1.001+.
Năm nay, Đại học Western Sydney của Australia tiếp tục dẫn đầu THE Impact Rankings. Đại học Manchester (Anh) đứng ở vị trí thứ 2 và Đại học Queen's (Canada) xếp vị trí thứ 3.
Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan có 65 cơ sở giáo dục đại, Indonesia có 32 cơ sở, Philippines có 29 cơ sở và Malaysia có 24 cơ sở nằm trong bảng xếp hạng này.