Chia sẻ cụ thể hơn về tinh thần đổi mới lúc đó, TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) - cho biết, bắt đầu từ những năm đổi mới đặc biệt là năm 1986-1987, cả hệ thống giáo dục nói chung, giáo dục đại học, nghề nghiệp nói riêng đứng trước bờ vực lvì kinh phí hạn hẹp. Do đó, ngành giáo dục đã đề nhiều giải pháp trong đó có xóa bỏ biên chế giáo viên để cứu vãn cả hệ thống giáo dục.
Phát triển nguồn lực tự thân của giáo viên
Lý giải về việc cần thiết thay đổi cơ chế từ biên chế sang hợp đồng, các nhà làm giáo dục thời gian đó lý giải: Cơ chế quản lý, sử dụng cán bộ giáo dục đại học hiện nay bộc lộ nhiều điểm lạc hậu không phát huy hết tiềm năng cả đội ngũ và từng cá nhân, không kích thích sự phấn đấu trong chuyên môn, gây tâm lý dựa dẫm, cách làm việc tắc trách; tạo ra sự quản lý khép kín, xơ cứng, thiếu mềm dẻo linh hoạt, không sàng lọc được dễ dàng và thường xuyên những người yếu kém, làm cho biên chế ngày càng đầy ứ, cồng kềnh, hết khả năng tiếp nhận lớp trẻ.
Nghị định 135/HĐBT ngày 28.1.1992 của Hội đồng Bộ trưởng đã khẳng định việc thực hiện chế độ hợp đồng trong nghiên cứu khoa học và thực hiện kí hợp đồng nghiên cứu từ năm học 1992 – 1993.
Theo đó, thực hiện chế độ hợp đồng giảng dạy là tạo điều kiện để cá nhân người cán bộ giáo dục nghiên cứu có toàn quyền quyết định khối lượng công việc nhận làm, mức thu nhập của bản thân và chịu trách nhiệm về chất lượng giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu khoa học, về thời hạn hoàn thành công việc. Thực hiện chế độ hợp đồng giúp cho cơ sở đào tạo đại học – với tư cách người nêu ra yêu cầu của việc đào tạo (số lượng, chất lượng, các ngành, nghề đào tạo...) được toàn quyền lựa chọn những người ưu tú, các thầy giáo giỏi, các nhà khoa học, các nhà quản lý kinh doanh giỏi... để kí hợp đồng.
Quản lý và sử dụng cán bộ giáo dục theo chế độ hợp đồng giảng dạy và nghiên cứu khoa học gắn với việc tổ chức sắp xếp lại các trường đại học. Lúc đó, các trường công lập chỉ còn một bộ phận nhỏ (chủ yếu là bộ khung của bộ máy hành chính, giảng dạy của nhà nước) là thuộc biên chế cơ hữu. Đại đa số các cán bộ giáo dục cũng như nhân viên trong trường sẽ chuyển từ chế độ biên chế suốt đời sang chế độ hợp đồng giảng dạy có thời hạn. Việc làm, thu nhập, đời sống của họ gắn chặt với việc hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy của họ trong năm học trước.
Chế độ hợp đồng giảng dạy cho phép luôn luôn tạo được sự tương ứng giữa khối lượng công việc giảng dạy với số lượng cán bộ giáo dục cần thiết, tạo điều kiện đánh giá thường xuyên chất lượng giảng dạy ở từng cá nhân, tạo khả năng sàng lọc hàng năm. Do đó, kích thích sự vươn lên của từng cá nhân cán bộ giáo dục để khẳng định vị trí của mình trong giảng dạy và nghiên cứu. Đây chính là nguồn động lực tự thân của từng người cũng như của toàn bộ đội ngũ.
Cách đây 30 năm, hưởng ứng tinh thần đổi mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, Bộ GDĐT đã đặt ra vấn đề chuyển từ biên chế sang cơ chế hợp đồng đối với giáo viên. |
Trả lương theo việc làm
Cùng với hợp đồng làm việc, lương giáo viên sẽ được trả theo việc làm. Điều cơ bản về phía nhà trường là xác định đúng khối lượng công việc, có cơ chế đánh giá đúng chất lượng giảng dạy và đào tạo. Về phía người cán bộ giáo dục, điều quan tâm là mức lương trả cho họ có xứng đáng với chức danh và giá trị chất xám của họ kết tinh trong sản phẩm đào tạo hay không. Nói cách khác, việc này đòi hỏi xã hội phải đặt đúng vị trí, trả lại giá trị đích thực cho nghề thầy giáo không phải chỉ bằng lời lẽ động viên mà còn bằng giá trị vật chất tương xứng.
Thời gian đó, lãnh đạo ngành giáo dục cũng đã nhận định, việc chuyển sang quản lý, sử dụng cán bộ giáo dục đại học theo hướng cơ chế hợp đồng giảng dạy là việc lớn và khó. Việc làm ngày đụng chạm đến nếp nghĩ, cách làm quen thuộc xưa nay đã ăn vào máu của nhiều người, đụng chạm đến năng lực và đời sống của từng cá nhân cán bộ, giáo dục. Việc làm này có ý nghĩa xã hội sâu sắc, vì cán bộ giáo dục đại học là tầng lớp trí thức, là vốn quý đã được đào tạo cơ bản, có hệ thống.
Mặt khác, việc làm này đòi hỏi một sự thay đổi cơ bản trong hàng loạt các quy định, chế độ gắn liền với cách quản lí, sử dụng hiện nay (từ chế độ làm việc đến cách trả lương, từ luật lao động, định mức làm việc...). Muốn thực hiện chế độ hợp đồng giảng dạy phải thực hiện sự đổi mới đồng bộ các luật lệ, quy định, các chế độ chính sách, các yếu tố về truyền thông tâm lí xã hội... phải tính đến các vấn đề do lịch sử để lại.
Báo Lao Động sẽ tiếp tục thông tin thêm về chủ trương này.