"Bộ GDĐT cần giải quyết bất cập về cách phiên âm tên nước ngoài trong SGK"

Thiều Trang |

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, Chủ biên bộ sách Tiếng Việt – Ngữ văn Cánh Diều cho rằng, việc phiên âm tên riêng nước ngoài trong sách giáo khoa hiện bộc lộ nhiều bất cập. Vì vậy, Bộ GDĐT cần sớm giải quyết vấn đề này.

Có nhiều bất cập

Phiên âm tên riêng nước ngoài trong sách giáo khoa hiện nay khiến không ít thầy cô và học sinh bối rối. Đang là học sinh lớp 9, Thiều Như Quỳnh (Đông Sơn, Thanh Hóa) cảm thấy "buồn cười", thậm chí khó hiểu khi đọc các danh từ riêng trong sách giáo khoa Lịch sử, Địa lý. Bởi Quỳnh không tìm thấy chú thích nguyên dạng mà thay vào đó là các từ được phiên âm Việt hóa như: "Bra-xin, Ác-hen-ti-na, Vê-nê-xu-ê-la, Ni-ca-ra-goa,...".

"Có lần em và các bạn đã tranh luận nảy lửa về cách đọc tên riêng nước ngoài trong sách, có bạn khẳng định sách viết như thế nào phải đọc như thế, nhưng có bạn nói rằng cách đọc đó đã lạc hậu và không đúng với hiện tại" - Quỳnh kể lại.

Một trang trong SGK Lịch sử lớp 9. Ảnh: NVCC
Một trang trong SGK Lịch sử lớp 9. Ảnh: NVCC

Không chỉ gây khó khăn cho học sinh mà giáo viên cũng "dở khóc, dở cười" trong quá trình giảng dạy. Một giáo viên dạy Ngữ văn tại quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, bản thân phải đọc chú thích nguyên dạng trước khi đọc phiên âm vì nhiều tên riêng khi đọc lên, học sinh ngơ ngác, có em còn phá lên cười vì không hiểu.

"Ví dụ trong SGK Ngữ văn lớp 6 - Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, bài Cô bé bán diêm có phiên âm các danh từ riêng rất khó hiểu như: "Han Cri-xti-an An-đéc-xen, Rô-giơ An-lớt, Ô-xca,...

Do đặc thù ngôn ngữ nên tôi thấy nhiều từ phiên âm bị xơ cứng, gượng ép và thiếu thẩm mỹ. Vì vậy, việc phiên âm chỉ nên mang tính chất tham khảo" - giáo viên nêu quan điểm.

Tên riêng tiếng nước ngoài được phiên âm tiếng Việt trong SGK
Tên riêng tiếng nước ngoài được phiên âm tiếng Việt trong SGK
Tên riêng tiếng nước ngoài được phiên âm tiếng Việt trong SGK Ngữ văn lớp 6 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Ảnh: NVCC

Quy định về phiên âm tên riêng nước ngoài hiện nay

Đồng tình với phản ánh của giáo viên và học sinh về việc phiên âm tên riêng nước ngoài trong sách giáo khoa hiện nay bộc lộ nhiều bất cập, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, ngay từ khi soạn thảo Chương trình GDPT mới, ông và các đồng sự đã nhận thấy, theo chương trình này, tất cả học sinh đều được học ngoại ngữ từ lớp 3, việc đọc và viết tên riêng, thuật ngữ nước ngoài không gặp nhiều khó khăn.

"Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, nếu tiếp tục áp dụng hình thức phiên âm tên riêng và thuật ngữ nước ngoài như trước đây sẽ gây khó khăn cho học sinh trong việc tham khảo tài liệu nước ngoài hay tham gia các kỳ thi quốc tế. Mặt khác, việc phiên âm còn dẫn tới tình trạng mỗi sách giáo khoa, mỗi nhà xuất bản phiên âm một cách" - GS Thuyết nói.

Vì những lí do trên, GS Thuyết đã soạn thảo quy định về chính tả trong chương trình, sách giáo khoa phổ thông để tham mưu cho Bộ GDĐT ban hành. Sau nhiều lần hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia ngôn ngữ và giáo dục, Bộ GDĐT đã ban hành quy định đó theo Quyết định số 1989/QĐ-B GDĐT ngày 25.5.2018.

Theo quy định nói trên, “trường hợp tên được viết bằng chữ Latin thì viết nguyên dạng chữ Latin, ví dụ: Victor Hugo, Albert Einstein, Thomas Edison, Paris, New York,...”; “trường hợp tên không được viết bằng chữ Latin thì viết như cách viết trong tiếng Anh, ví dụ: Aleksandr Pushkin, Moscow, Tokyo, Fuzhou, Zhejiang, Nile, Cleopatra,…”.

Chỉ riêng sách giáo khoa và các tài liệu dành cho học sinh tiểu học được “sử dụng hình thức phiên âm, có gạch nối để nối các âm tiết trong cùng một bộ phận tạo thành tên. Ví dụ: Tô-mát Ê-đi-xơn, Mát-xcơ-va, Pa-ri, Tô-ky-ô,...".

Sách giáo khoa và các tài liệu dành cho học sinh lớp 4, lớp 5, bên cạnh hình thức phiên âm, cần chú thích nguyên dạng (hoặc chú thích cách viết trong tiếng Anh) khi tên riêng lần đầu tiên xuất hiện dưới hình thức phiên âm trong sách. Ví dụ: Tô-mát Ê-đi-xơn (Thomas Edison), Mát-xcơ-va (Moscow), Pa-ri (Paris), Tô-ky-ô (Tokyo). Ngoài hình thức đặt chú thích trong ngoặc đơn, có thể chú thích ở chân trang hoặc bên lề trang sách.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, Chủ biên bộ sách Tiếng Việt – Ngữ văn Cánh Diều.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới.

Tuy nhiên, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 30 ngày 5.3.2020 về công tác văn thư, Bộ GDĐT lại ra quyết định mới, quy định SGK tất cả các cấp học phiên âm tên riêng nước ngoài.

“Khi được lãnh đạo Bộ GDĐT hỏi ý kiến, tôi đã nói với các đồng chí lãnh đạo là việc sửa đổi quy định viết tên riêng nước ngoài của Quyết định số 1989 là không cần thiết, vì phạm vi điều chỉnh của Nghị định 30 đã được nêu rõ tại Điều 1 là quy định về công tác văn thư và quản lý nhà nước về công tác văn thư.

Tuy nhiên, vì muốn bảo đảm sự thống nhất giữa cách viết trong sách giáo khoa với cách viết trong các văn bản hành chính, Bộ GDĐT đã ra quyết định, yêu cầu các nhà xuất bản tổ chức xuất bản sách giáo khoa thực hiện việc viết hoa theo quy định tại Nghị định 30, có thêm bảng tra cứu tên riêng nước ngoài ở cuối sách, hoặc từ gốc cạnh phiên âm" - GS Thuyết chia sẻ.

Thiếu luật về ngôn ngữ và văn tự

Trao đổi với Lao Động về nguyên nhân dẫn đến sự bất cập trong phiên âm tên riêng nước ngoài, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, Việt Nam đang thiếu luật về ngôn ngữ và văn tự, đặc biệt chưa có cơ quan nào phụ trách về vấn đề này.

"Đây là vấn đề cần đưa ra bàn bạc và thảo luận nghiêm túc để khắc phục kịp thời. Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện điều này, ví dụ Trung Quốc giao Viện Hàn lâm khoa học xuất bản định kỳ các tập sách hướng dẫn phiên âm tên riêng, thuật ngữ nước ngoài sang tiếng Trung Quốc.

Nhưng nước ta chưa có cơ quan nào phụ trách vấn đề này, dẫn đến việc thiếu đồng bộ trong cách viết, mặc dù việc viết tên riêng và thuật ngữ nước ngoài trong tiếng Việt thuận lợi hơn tiếng Trung Quốc rất nhiều lần" - GS Thuyết nhận định.

Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới đề nghị Bộ GDĐT sớm giải quyết vấn đề này; nếu cần thì khẩn trương xin ý kiến chấp thuận của Chính phủ.

Thiều Trang
TIN LIÊN QUAN

Bộ GDĐT đề nghị địa phương báo cáo tình hình dạy học trực tiếp

Tường Vân |

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa có công văn số 4983/BGDĐT-GDTC gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc báo cáo việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ GDĐT giảm tải nhiều nội dung trong sách giáo khoa cho học sinh tiểu học

Bích Hà |

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà trường chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch giáo dục trên cơ sở tinh giản các nội dung có trong sách giáo khoa vượt quá mức độ cần đạt về chuẩn kiến thức kĩ năng của học sinh tiểu học.

Chi tiết giá sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 mới: Cao nhất 259.000 đồng/ bộ

Linh Chi - Đức Thiện |

Giá sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 mới được Bộ Giáo dục và đào tạo phê duyệt, triển khai cho năm học 2021-2022 có mức giá từ 179.000 đồng/bộ đến 259.000 đồng/bộ (chưa kể sách tiếng Anh). Các sách giáo khoa có tên trong danh mục được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo phê duyệt thuộc 4 đơn vị xuất bản, gồm: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; Nhà xuất bản Đại học Sư phạm; Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM; Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP HCM.

Danh tính nạn nhân trong cabin xe tải dưới cầu Phong Châu

Tô Công |

Phú Thọ - Cơ quan Công an đã xác định được danh tính nạn nhân được phát hiện trong cabin xe tải gần khu vực cầu Phong Châu bị sập.

Thông báo Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

. |

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 18.9 đến ngày 20.9.2024 tại Thủ đô Hà Nội.

Quan hệ với Tổng Công hội Trung Quốc đặc biệt được coi trọng

Kiều Vũ - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Ngày 20.9, diễn ra Hội đàm giữa Tổng LĐLĐVN và Tổng Công hội Trung Quốc (ACFTU).

Thông xe cao tốc Nội Bài - Lào Cai sau 8 ngày sạt lở

Đinh Đại |

Sự cố về sạt lở đã khiến nút giao cao tốc Nội Bài – Lào Cai (IC18) không thể hoạt động và mất nhiều ngày để khắc phục.

Cựu lãnh đạo SCB khai mẹ và dì cũng là bị hại của mình

Tâm Tú |

TPHCM - Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB - Trương Khánh Hoàng cho biết, bản thân ân hận, xót xa vì có nhiều bị hại trong vụ án, trong đó có mẹ và dì của bị cáo.