Lộ nhiều sai phạm
Thanh tra Bộ GDĐT vừa có kết luận thanh tra về việc xác định chỉ tiêu, tổ chức tuyển sinh, quản lý đào tạo, cấp phát văn bằng, chứng chỉ trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện Khoa học Xã hội.
Theo đó, hai năm 2015, 2016, Học viện cho “ra lò” 2.811 thạc sĩ mà không có báo cáo gửi Bộ GDĐT theo quy định của Bộ.
Đối với chỉ tiêu đào tạo, năm 2015 Học viện tự xác định chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ là 350 và 1.600 thạc sĩ. Năm 2016, chỉ tiêu gồm 400 tiến sĩ và 1.600 thạc sĩ. Thế nhưng, đội ngũ giảng viên cơ hữu được Học viện kê khai để xác định chỉ tiêu tuyển sinh so với thực tế có chênh lệch giảm 10 PGS.
Năm 2017, theo quy định, Học viện được đào tạo 86 chỉ tiêu thạc sĩ, không còn chỉ tiêu tuyển sinh trình độ thạc sĩ của khối ngành I và trình độ tiến sĩ của tất cả các khối ngành. Trong khi đó, Học viện tự xác định chỉ tiêu thạc sĩ năm 2017 là 1.600.
Ngoài ra, kết luận thanh tra cũng chỉ rõ nhiều cán bộ được phân công hướng dẫn số lượng học viên tại cùng thời điểm vượt quá quy định. Đơn cử một trường hợp được giao hướng dẫn 44 học viên của 3 ngành khác nhau. Một số trường hợp khác hướng dẫn cùng lúc 18, 11, 10 hoặc 9 học viên.
Chưa dừng lại ở đó, Học viện còn bố trí người hướng dẫn có chuyên môn một đằng, ngành đào tạo một nẻo. Kể đến như: PGS.TS Lê Phước Minh là tiến sĩ ngành Kinh tế nhưng được phân công hướng dẫn nghiên cứu sinh Trần Thị Lan Thu chuyên ngành Quản lý giáo dục. GS.TS Nguyễn Quang Thuấn được phân công hướng dẫn đồng thời 3 nghiên cứu sinh ngành kinh tế trong cùng năm. TS Nguyễn Thị Song Hà ngành Nhân học được phân công hướng dẫn 7 nghiên cứu sinh ngành Dân tộc học.
Với nhiều sai phạm liên quan đến đào tạo, thanh tra Bộ GDĐT kiến nghị đối với Học viện kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra các thiếu sót, sai phạm trong kết luận thanh tra.
Vi phạm quy trình chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng
Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT. Bà Phụng cho biết, việc phân công người hướng dẫn khoa học vượt quá quy định trước hết là vi phạm quy chế đào tạo, chắc chắn sẽ ảnh hưởng chất lượng luận án. Học viện Khoa học Xã hội phải khắc phục hậu quả, chấn chỉnh công tác đào tạo theo đúng kết luận của thanh tra Bộ GDĐT.

Bà Phụng cho biết thêm, để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, bên cạnh việc ban hành quy chế đào tạo tiến sĩ mới (Thông tư số 08/2017), Bộ GDĐT cũng đã ban hành Thông tư 09/2017/TT-BGDĐT ngày 4.4 quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành hoặc chuyên ngành đào tạo. Trong đó, nâng cao quy định về đội ngũ giảng viên, kiểm định chất lượng, cần phối hợp các cơ quan sử dụng lao động để đảm bảo chất lượng đầu ra.
Bộ GDĐT đã xây dựng biện pháp để quán triệt tình hình sao chép luận văn, luận án. Một số nội dung được quy định cụ thể hơn để đề cao trách nhiệm của cơ sở đào tạo, người hướng dẫn, hội đồng đánh giá luận án trong việc ngăn chặn việc sao chép, quy định cụ thể việc xử lý vi phạm trong trường hợp phát hiện sao chép.
Ngoài ra, Bộ cũng quy định các cơ sở đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm chống sao chép để rà soát nội dung các luận án tiến sĩ, hỗ trợ kỹ thuật cho đánh giá của hội đồng.
Mỗi năm, Bộ đều có kế hoạch thanh tra các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải dựa trên tinh thần tự giác của các cơ sở đào tạo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nhận định.
Từ sự việc của Học viện Khoa học Xã hội, các cơ sở đào tạo cần rà soát quy trình quản lý chất lượng, các nhà khoa học cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình hướng dẫn, đánh giá luận văn. Cơ quan quản lý Nhà nước cũng đổi mới công tác quản lý phù hợp điều kiện tự chủ của các cơ sở đào tạo, bà Phụng cho hay.