Khích lệ thay "xếp loại"
Từ 5.9.2021 sẽ có thay đổi trong cách xếp loại hạnh kiểm với học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, trước tiên là học sinh lớp 6. Theo đó, sẽ không còn những cụm từ "hạnh kiểm yếu" ghi trong học bạ - vốn được xem là những "bản kết án" học sinh trên ghế nhà trường.
Chia sẻ quan điểm về thay đổi này, thầy Nguyễn Quốc Bình - Cố vấn chuyên môn Hội đồng quản trị Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) - cho rằng, học sinh không còn bị xếp loại hạnh kiểm "yếu" là quy định đúng đắn, nhân văn và mang tính động viên, khích lệ người học.
Theo thầy Bình, những cụm từ như "xếp loại", "hạnh kiểm yếu" đã từng gây ám ảnh và tự ti cho nhiều học sinh, thậm chí khiến các em ngừng nỗ lực. Vì vậy, việc bỏ xếp loại hạnh kiểm thay bằng đánh giá kết quả rèn luyện rất khoa học, phù hợp với tâm lý lứa tuổi và làm giảm áp lực đè nặng lên bản thân và gia đình học sinh.
Đặc biệt, quy định mới mang tính khích lệ, nhưng vẫn đánh giá được quá trình rèn luyện của học sinh qua 4 mức: tốt, khá, đạt, chưa đạt.
"Rèn luyện là cả quá trình. Vì vậy, trong quá trình rèn luyện, học sinh sẽ có sai lầm, có khuyết điểm. Nếu thầy cô chỉ căn cứ vào những lần mắc lỗi, vi phạm để đánh giá bản chất, nhân cách học sinh thông qua xếp loại hạnh kiểm là chưa đúng. Trước đây, hạnh kiểm yếu đồng nghĩa với đạo đức yếu, phẩm chất yếu và đã trở thành vết đen trong học bạ, ảnh hưởng đến tương lai của học sinh.
Quy định mới sẽ phản ánh được năng lực, phẩm chất học sinh để giúp các em nhận ra phải nỗ lực nhiều hơn trong quá trình rèn luyện" - thầy Bình chia sẻ.
Đồng quan điểm, cô Lê Oanh (giáo viên Trường THCS Nguyễn Công Trứ, Hà Nội) cho rằng, quy định mới về bỏ xếp loại hạnh kiểm với học sinh sẽ góp phần xây dựng "trường học hạnh phúc". Học sinh đến trường với tâm trạng vui vẻ, thoải mái, không bị áp lực về việc xếp loại. Nhà trường cũng không phải nơi "kết án" học sinh với những cụm từ "hạnh kiểm yếu".
Thay đổi mang tính động viên và khích lệ học sinh
Nhiều giáo viên cho rằng, Thông tư 22 của Bộ GDĐT bỏ xếp loại hạnh kiểm theo các mức: Tốt, khá, trung bình, yếu và thay bằng: Tốt, khá, đạt, chưa đạt là thay đổi tiến bộ, mang tính nhân văn và hướng đến người học đúng nghĩa.
Cô Trương Thị Thu (giáo viên trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội) cho rằng, giáo dục là quá trình lâu dài và công phu. Trên chặng đường đó, trẻ sẽ có những giai đoạn phát triển tâm sinh lý khác nhau, trải qua nhiều thời kỳ “khủng hoảng tâm lý lứa tuổi” để có thể trưởng thành. Vì vậy, thầy cô và nhà trường là người đồng hành, dẫn dắt học sinh tiến bộ.
"Có những thời điểm học sinh chưa tiến bộ, chưa tích cực, thậm chí lệch lạc, nếu được khuyến khích và chỉ dẫn đúng cách học sinh sẽ vươn lên, chăm ngoan và tiến bộ. Nhưng, thầy cô và nhà trường nhận xét một đứa trẻ là yếu, kém… thì đồng nghĩa với việc bản chất của người học là kém cỏi và không còn hy vọng.
Vì vậy, cách đánh giá mới sẽ tránh được việc “dán tem, gắn mác” - gây tổn thương cho người học, đồng thời khuyến khích, khơi gợi học trò nỗ lực và cố gắng vươn lên" - cô Thu nêu quan điểm.
Khẳng định việc bỏ xếp loại hạnh kiểm hướng đến người học và mang tính động viên khích lệ học sinh, cô Mai Thị Ánh Nguyệt (giáo viên Trường THCS Nguyễn Công Trứ, Hà Nội) cho rằng, quy định mới sẽ xóa đi một "bản kết án" với học sinh. Đồng thời, tạo động lực để các em cố gắng. Nếu học sinh ở mức đạt - các em đã cơ bản hoàn thành việc rèn luyện, nếu chưa đạt - còn một vài mặt chưa thực hiện được, cần rèn luyện, phấn đấu và thay đổi để đạt.
Cô Ánh Nguyệt cũng cho rằng, khi đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh theo yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực sẽ tạo ra nhiều con đường mở cho học sinh. Vì thầy cô sẽ chỉ ra các khía cạnh khác nhau trong quá trình rèn luyện của người học. Từ đó trao cơ hội cho học sinh nhìn nhận lại bản thân, cố gắng và nỗ lực thay đổi để trở nên hoàn thiện.