Bàn về thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, đại diện Sở GDĐT tỉnh Nam Định cho rằng: Để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất. Cho đến thời điểm hiện tại, tỉnh vẫn chưa nắm được các yêu cầu cần thiết. Tỉnh mong muốn Bộ sớm công bố các điều kiện tối thiểu để tỉnh chuẩn bị.
Còn tại Nghệ An, theo Giám đốc sở GDĐT tỉnh Nghệ An Nguyễn Thị Kim Chi: Nghệ An là tỉnh nhiều khó khăn nhưng giáo dục địa phương trong thời gian qua đã có những thành tích đáng khích lệ. Ngành sẽ tiếp tục chỉ đạo để triển khai chương trình phổ thông mới, phân cấp, phân quyền cho các cơ sở giáo dục để phát huy năng lực cụ thể của từng địa phương. Quy hoạch, rà soát mạng lưới trường lớp, nhất là trường trọng điểm trên toàn tỉnh. Tăng cường hợp tác quốc tế để học sinh có thể tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến.
Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An kiến nghị: Lộ trình thực hiện chương trình tổng thể, địa phương có những khó khăn nhất định, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất nhất là huyện miền núi còn nhiều khó khăn nên chúng tôi mong lùi thời gian thực hiện để địa phương có thể đáp ứng đầy đủ điều kiện trước khi triển khai.
Giám đốc Sở GDĐT Vĩnh Long mong muốn Bộ GDĐT có kế hoạch tăng cường đề án về cơ sở vật chất, ban hành chuẩn cơ bản để địa phương thực hiện. Chuẩn này cần phải đi vào thực tế, phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Sĩ số học sinh trên lớp cũng cần có lộ trình để ngang bằng các nước trong khu vực.
Với Kiên Giang, lãnh đạo Sở GDĐT cho rằng, việc triển khai chương trình mới không thể thực hiện cùng lúc, đồng loạt mà phải làm dần từng nội dung. Vì thế, lùi lại 1 năm chưa chắc đã là phương án hiệu quả.
Trước nhiều kiến nghị của các địa phương, ông Đoàn Văn Ninh - Giám đốc Dự án Hỗ trợ đổi mới GDPT (Bộ GDĐT) - cho biết, Bộ vừa thông qua chương trình GDPT mới và đang rà soát lại các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình theo đúng lộ trình như Nghị quyết 88 đã đề ra. Trong đó, ưu tiên đến việc đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, trước đề xuất của địa phương kiến nghị lùi thời gian thực hiện chương trình GDPT mới, Bộ GDĐT sẽ lắng nghe các kiến nghị và có thể đề xuất lên Chính phủ, trình lên Quốc hội xem xét kéo dài thêm thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho việc xây dựng và biên soạn chương trình sách giáo khoa mới cũng như các điều kiện cần thiết khác khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.