Tết đang đến rất gần, nhưng với nhiều giáo viên trường mầm non tư thục, Tết mang theo vô vàn nỗi lo.
Những ngày này, ngoài giờ làm, cô giáo Quách Thị Linh (giáo viên một nhóm trẻ tư thục tại Hoà Bình) vẫn cần mẫn đăng bài bán hàng online để góp nhặt thêm từng đồng trang trải dịp Tết.
Cô Linh chia sẻ: "Dịch bệnh qua đi, các ngành nghề khác đã khôi phục nhưng riêng mầm non tư thục vẫn bị ảnh hưởng khá nhiều, năm ngoái khó khăn nên nhà trường chỉ tặng giáo viên một túi quà Tết. Năm nay chắc cũng vậy, nếu có thêm thì cũng chỉ 200.000 đồng tiền thưởng".
Sau nhiều năm đi làm, mỗi tháng, số tiền lương nữ giáo viên này nhận được chưa đầy 5 triệu đồng. Số tiền lương dường như không đủ trang trải cuộc sống và chi tiêu cho gia đình cũng như việc học hành của con cái.
Để trang trải thêm cuộc sống, cô giáo này đã tranh thủ ngoài giờ làm đăng bài bán hàng online để có thêm thu nhập.
"Mình cứ đăng bài bán hàng online, từ đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em, cây cảnh, hoa, thậm chí là cả đồ ăn. Khi có khách đặt đơn, nếu gần sẽ tranh thủ tan làm đi ship, còn xa thì gửi chuyển phát nhanh, mỗi sản phẩm lãi khoảng từ 10.000 - 30.000 đồng.
Ngày nào may mắn thì có đơn hàng, cũng có thời điểm nhiều ngày không bán được đơn nào. Khi đều khách thì tháng cũng kiếm thêm vài trăm nghìn, dịp gần Tết có hơn một chút nhưng cũng không đáng kể" - cô Linh tâm sự.
Tương tự, cô giáo Hoàng Thị Hải (giáo viên mầm non tư thục ở TP Sơn La, tỉnh Sơn La), với mức lương 4 triệu đồng/tháng, giáo viên này cũng phải chật vật để cân đối chi tiêu khi vừa phải trả tiền thuê trọ, điện nước và cùng chồng nuôi con ăn học.
Cô Hải tâm sự: "Mỗi ngày, các cô bắt đầu đón trẻ từ 7h sáng đến 17h chiều mới trả hết trẻ. Nhiều hôm phụ huynh bận việc đến đón muộn, các cô phải đến hơn 18h mới rời trường về nhà.
Công việc vất vả nhưng lương mỗi tháng được nhận chỉ vỏn vẹn 4 triệu đồng/tháng. Tết này dự kiến tiền thưởng Tết cũng chỉ khoảng 100.000 - 200.000 đồng và một túi quà động viên giáo viên thôi".
Đồng lương eo hẹp, lại gánh trên vai áp lực tiền thuê nhà, tiền điện, nước và lo cho con ăn học khiến cô Hải phải tìm đủ mọi cách tìm thêm nguồn thu nhập.
"Nhiều hôm đi làm về mệt mỏi nhưng vẫn tranh thủ đăng bài bán hàng online để kiếm thêm được đồng nào hay đồng ấy. Mình bán chủ yếu là nông sản địa phương, cứ mùa nào thức nấy, hoặc thậm chí là hoa quả sạch, rau sạch do mẹ và họ hàng ở quê trồng được" - cô Hải nói.
Ngoài bán các loại nông sản địa phương, vào mỗi Chủ nhật, cô giáo này còn nhận trông trẻ cho những gia đình có nhu cầu. Với mỗi buổi nhận trông tại nhà, cô có thêm 150.000 - 200.000 đồng.
"Gần Tết, khi trẻ đã được nghỉ học nhưng bố mẹ chưa được nghỉ làm mà họ có nhu cầu gửi thì tôi vẫn nhận. Vừa là giúp đỡ phụ huynh, cũng giúp mình có thêm thu nhập dịp Tết" - nữ giáo viên chia sẻ thêm.
Với nhiều ngành nghề, tiền thưởng Tết là thành quả của một năm lao động vất vả và là động lực trong năm tới. Thế nhưng, với nhiều giáo viên mầm non tư thục, thưởng Tết "có cũng như không" là điều họ không muốn nhắc đến.
Mong mỏi lớn nhất của những giáo viên mầm non tư thục là được tăng lương, tăng thưởng Tết để mỗi khi Tết đến, Xuân về, họ bớt gánh nặng, bớt nỗi lo.